Tăng nhập khẩu thịt lợn vẫn không bù đắp lượng thiếu hụt
Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 17-12, Bộ Công Thương tiếp tục thông tin về thị trường thịt lợn trong các tháng cuối năm. Cụ thể, theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11-2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Theo Bộ NN&PTNT, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%.
Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.
Tính toán của các địa phương cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh, lượng thịt lợn bình ổn giá chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu của thành phố dịp cuối năm; TP Hà Nội thiếu khoảng 3.500 tấn thịt lợn.
Tại Đồng Nai (thủ phủ chăn nuôi lợn lớn của cả nước), tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện đã giảm gần 50% so với thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện (tháng 4 năm 2019).
Đáng chú ý, việc tái đàn chưa thể thực hiện do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hà Nam, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh năm 2019 giảm hơn 20% so với năm 2018. Tuy nhiên, Hà Nam có chợ đầu mối gia súc, gia cầm lớn nhất phía Bắc với lượng lợn qua chợ khoảng 1.000 – 1.200 con/ngày.
Số lượng lợn trên được đưa về chợ đầu mối từ các cơ sở chăn nuôi trong và ngoài tỉnh và giúp bảo đảm nhu cầu cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhà máy chế biến thịt lợn với công suất thiết kế 1,4 triệu con/năm cũng sẽ góp phần bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã có nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung thịt lợn. Tuy vậy, nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Vì vậy, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, việc nhập khẩu thịt lợn hiện nay gặp không ít khó khăn do hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.
Theo thông tin Bộ Công Thương biết được thì trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, trong tháng 10-2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ ba là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là thị trường Hà Lan.
Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, Bộ NN&PTNT sẽ có số liệu chính xác về lượng thịt lợn nhập khẩu.
Hiện nay, giá thịt lợn trên thị trường vẫn tiếp tục tăng giá. Giá lợn hơi đã vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg. Giá thịt bán lẻ tại các tại chợ dân sinh dao động từ 160.000 đồng- 200.000 đồng/kg. Thịt lợn sạch giá lên tới 300.000 đồng/kg.