Tăng phân cấp, tăng hiệu quả

Phân cấp, ủy quyền thực chất là trao quyền, thẩm quyền của cấp trên cho cấp dưới, tạo động lực, tính chủ động cho cấp dưới giải quyết nhiệm vụ sát với thực tiễn, giảm tầng nấc trung gian, thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chủ trương trên, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến thực chất, tích cực trong hoạt động của chính quyền các cấp ở thành phố. Trong đó, nhiều thủ tục hành chính được thành phố phân cấp, ủy quyền cho địa phương giải quyết đã giảm thời gian, phục vụ tốt hơn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Cũng nhờ chủ trương này, các cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân cấp, ủy quyền có trách nhiệm cao hơn, từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý nhà nước ở địa phương.

Một trong những điểm đáng chú ý là thành phố đã triển khai hiệu quả Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và chứng thực chữ ký. Nhờ đó sau 3 năm thực hiện, việc ủy quyền đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại các phường. Việc phân cấp, ủy quyền còn giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện để công chức tư pháp - hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, đồng thời giảm áp lực công việc cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường.

Phát huy kết quả đã đạt được, tại kỳ họp chuyên đề ngày 19-11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính của chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội với 3 lĩnh vực: Chứng thực, văn hóa, bảo trợ xã hội. Việc tiếp tục mở rộng ủy quyền của chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã theo quy định tại Khoản 4, Khoản 6, Điều 14, Luật Thủ đô năm 2024 là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm của công chức cấp xã.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, trước hết các đơn vị, cá nhân liên quan cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong đó, bảo đảm rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm; cơ quan, cá nhân ủy quyền và công chức nhận ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc thực hiện ủy quyền.

Việc phân cấp cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương. Qua đó vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của bộ máy chính quyền thành phố.

Tiếp đó, việc phân cấp phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, bình đẳng, gắn quyền hạn với trách nhiệm giải quyết công việc và cải cách hành chính trong các lĩnh vực được phân cấp. Đặc biệt là gắn phân cấp, phân quyền với tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện sau phân cấp.

Việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính của chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã trên địa bàn thành phố là một nội dung mới. Vì thế, trong quá trình tổ chức thực hiện cần có cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của công chức được ủy quyền nhằm bảo đảm thực hiện công việc hiệu quả, đúng quy trình và tránh sai sót, lạm quyền.

Phân cấp, phân quyền là xu hướng quản lý hiện đại, mang lại hiệu quả trong việc quản lý nhà nước ở cấp địa phương. Rõ ràng phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát tốt sẽ bảo đảm cho chính quyền vững mạnh, thực sự nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc của mỗi cán bộ, công chức và cả bộ máy chính quyền ở địa phương.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-phan-cap-tang-hieu-qua-685795.html