Tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non: Kỳ vọng tạo chuyển biến tích cực

Dự thảo Nghị định điều chỉnh chế độ phụ cấp cho giáo viên mầm non được kỳ vọng sẽ góp phần tạo động lực để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.

Giáo viên trường Mầm non Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dạy trẻ về nhạc cụ dân tộc.

Giáo viên trường Mầm non Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dạy trẻ về nhạc cụ dân tộc.

Ngày 13/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là đề xuất tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non. Theo dự thảo, mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non tại vùng thuận lợi sẽ tăng từ 35% lên 45%, còn tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ tăng lên 80%.

Động lực cho những người "gieo chữ" vùng cao

Thông tin về dự thảo tăng phụ cấp đã mang lại niềm vui lớn cho đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa – nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống kinh tế và điều kiện sinh hoạt.

Cô giáo Đinh Thị Nhài, trường Mầm non Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) là một trong những người đã nhiều năm gắn bó với các điểm trường lẻ như Đồng Luông, Làng Chẽ, Con Kiến…

Quá trình công tác, cô Nhài đã trải qua đủ đầy những gian nan, từ việc xách nước từ nhà dân về lớp học, nấu ăn bán trú trong điều kiện thiếu thốn, cho đến những lần vượt đường trơn trượt vào điểm trường sau mưa.

“Những ngày đầu đi dạy, mỗi tháng tôi chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng tiền lương khởi điểm, phải chắt chiu từng đồng để duy trì cuộc sống. Nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ, tôi vẫn cố gắng bám lớp, bám trường” – cô Nhài chia sẻ.

Đối với cô và nhiều giáo viên khác, việc tăng phụ cấp không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là sự ghi nhận, trân trọng của Nhà nước đối với những nỗ lực thầm lặng của người giáo viên mầm non.

 Cô và trò Trường Mầm non Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn trong giờ học STEAM.

Cô và trò Trường Mầm non Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn trong giờ học STEAM.

Bà Nguyễn Thị Huế – Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Chu cho biết, hiện nhà trường có 31 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 21 người biên chế.

Trường có 3 điểm trường, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Giáo viên nơi đây không chỉ giảng dạy, mà còn phải chăm sóc trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, dạy kỹ năng sống, vệ sinh cá nhân… trong điều kiện làm việc kéo dài hơn 8 giờ mỗi ngày.

“Nghề giáo viên mầm non có đặc thù rất khác. Học sinh còn nhỏ, hiếu động, nhiều em sức khỏe yếu, thể trạng khác nhau, đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, tận tâm và có năng lực quản lý lớp học tốt.

Với thu nhập hiện tại, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Việc tăng phụ cấp sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn, giúp các cô an tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề” – bà Huế chia sẻ.

Niềm vui lan tỏa đến các điểm trường khó khăn

Tại trường Mầm non Yên Trạch (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), khi nghe tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng phụ cấp, giáo viên trong trường đều hân hoan, kỳ vọng chính sách sẽ sớm được hiện thực hóa.

Trường hiện có 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên, hoạt động tại 2 điểm trường, trong đó có điểm trường lẻ tại Bản Héo – nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao…

 Đề xuất tăng phụ cấp sẽ tạo động lực to lớn, thể hiện sự quan tâm thiết thực của các cấp, ngành đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

Đề xuất tăng phụ cấp sẽ tạo động lực to lớn, thể hiện sự quan tâm thiết thực của các cấp, ngành đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

Bà Phạm Thị Út – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhiều cô giáo ở trường chúng tôi đã gắn bó với nghề hàng chục năm, trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn hết lòng chăm lo cho học sinh.

Đề xuất tăng phụ cấp sẽ tạo động lực to lớn, thể hiện sự quan tâm thiết thực của các cấp, ngành đối với đội ngũ giáo viên mầm non – những người đang thầm lặng ‘gieo hạt’ cho tương lai.”

Giáo dục mầm non là bậc học nền tảng, góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho trẻ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên mầm non còn chưa tương xứng với yêu cầu công việc.

Hy vọng rằng, dự thảo sẽ sớm được thông qua và đi vào thực tiễn để những người “gieo chữ” nơi non cao, bản xa tiếp tục giữ vững niềm tin, tinh thần trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-phu-cap-cho-giao-vien-mam-non-ky-vong-tao-chuyen-bien-tich-cuc-post731818.html