STEM ở bậc học mầm non: Nuôi dưỡng tư duy sáng tạo cho trẻ
- "STEM" là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn gồm: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Thay vì học từng môn tách biệt, rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện tư duy đa chiều. Hiện nay, nhiều trường từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng trong chương trình giảng dạy. Đối với bậc học mầm non, năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện tích hợp trong chương trình giảng dạy tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố.
Đến với trường Mầm non Hoa Hướng Dương, thành phố Lạng Sơn vào những ngày đầu tháng 5/2025, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước không khí học tập sôi nổi và đầy hứng thú của các bé. Thay vì những giờ học theo lối truyền thống, các em được khám phá thế giới xung quanh thông qua những hoạt động STEM đầy màu sắc. Đến với lớp 5 tuổi B, cô và trò đang thực hiện một thí nghiệm nhỏ nhưng vô cùng kỳ diệu: tạo ra ảo ảnh thị giác. Với những hình vẽ ngộ nghĩnh, ống hút và ánh đèn, dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo, các em reo lên thích thú khi những hình ảnh tĩnh bỗng trở nên sống động, xoay tròn như có phép thuật. Tiếng cười giòn tan hòa cùng những ánh mắt tò mò, khám phá, tạo nên một bức tranh sinh động về phương pháp giáo dục STEM đang từng bước ươm mầm tư duy sáng tạo cho những mầm non tương lai tại ngôi trường này.
Cô Đàm Thị Ngọc Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, chúng tôi yêu cầu các giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch tích hợp STEM vào từng chủ đề năm học, ít nhất một tháng có 1 tiết giảng ứng dụng STEM. Dù đây là năm đầu tiên thực hiện, nhưng các giáo viên đã có những bài giảng STEM được cấp trên đánh giá cao như: bài học ảo ảnh thị giác, thực hành vắt cam, trò chơi chữ cái… Từ đó, góp phần tạo nên sự mới lạ trong chương trình học, giúp trẻ biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm của bản thân vào từng hoạt động thực tiễn.

Học sinh Trường Mầm non 17/10 (thành phố Lạng Sơn) thực hành trải nghiệm sản phẩm STEM tại Ngày hội STEM dành cho trẻ mầm non năm học 2024-2025
Theo đó, trên địa bàn thành phố, 100% các trường mầm non đã chủ động tích hợp STEM vào chương trình dạy và học. Không chỉ riêng khu vực thành phố, huyện Văn Quan cũng là một điểm sáng trong việc ứng dụng STEM. Đơn cử, vào tháng 4/2025, Phòng GD&ĐT Văn Quan đã tổ chức thành công Ngày hội STEM mầm non cấp huyện năm học 2024 - 2025, thu hút sự tham gia của hơn 200 học sinh, giáo viên và phụ huynh. Tại ngày hội, các em nhỏ đã có cơ hội thỏa sức sáng tạo, thiết kế những sản phẩm STEM độc đáo từ các vật liệu quen thuộc như bìa cứng, giấy màu, phế phẩm nhựa... qua đó thể hiện sự khéo léo, tư duy thẩm mỹ phong phú và khả năng phối hợp làm việc nhóm hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: Năm học 2024 - 2025, huyện Văn Quan có 20 trường mầm non với gần 4.000 học sinh. Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng STEM vào giảng dạy, 100% giáo viên các trường mầm non trên địa bàn huyện được tập huấn chuyên môn, học tập kinh nghiệm ứng dụng STEM; xây dựng chủ đề STEM đưa vào kế hoạch giáo dục của các môn học; 100% giáo viên dạy môn thuộc lĩnh vực STEM thực hiện ít nhất 2 chủ đề STEM/năm học ngay từ đầu các năm học; các trường học, cụm trường chủ động xây dựng kế hoạch tích hợp sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị…
Toàn tỉnh hiện có 231 trường mầm non với hơn 47.000 học sinh. Phương pháp giáo dục STEM đã được triển khai đồng bộ tại 100% các trường mầm non trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm học 2024 - 2025. Theo đó, dựa trên 9 chủ đề giáo dục chính được quy định trong năm học, bao gồm: trường mầm non, gia đình, ngành nghề, bản thân... mỗi giáo viên chủ động nghiên cứu và xây dựng kế hoạch tích hợp các yếu tố STEM vào nội dung bài giảng một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và khả năng nhận thức của từng độ tuổi. Không chỉ tập trung trong các giờ học chính khóa, việc ứng dụng STEM còn được mở rộng ra không gian vui chơi và học tập ngoài lớp học. Chị Hoàng Thị Hà, có con học lớp 5 tuổi Trường Mầm non thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho hay: Tôi rất vui khi thấy con ở trường được các cô giáo ứng dụng STEM vào giảng dạy. So với những tiết học truyền thống, việc ứng dụng STEM giúp các con được thực hành khoảng 70% thời lượng mỗi tiết. Tôi nhận thấy, sau một thời gian thực hiện các hoạt động STEM, con có thể nhớ bài học nhanh hơn, có nhiều kỹ năng hơn so với các hoạt động cũ.
Hiện nay, tại khuôn viên của mỗi trường mầm non trên địa bàn tỉnh đều được trang bị một góc STEM riêng biệt, kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh trong việc đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất. Các góc STEM này được các cô giáo sắp xếp theo hướng mở, trưng bày đa dạng các loại đồ chơi, dụng cụ học tập và nguyên vật liệu phong phú, được bài trí một cách ngăn nắp, khoa học và thẩm mỹ, tạo điều kiện tối ưu để trẻ em có thể vừa học vừa chơi một cách tự nhiên và hiệu quả. Em Vũ Huyền Anh, lớp 5 tuổi A, Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn bộc bạch: Ở trường, em và các bạn được cô dạy cách lắp ráp các con vật; làm những cây cầu, nhà bằng que với giấy; làm thí nghiệm với nước, với màu. Em thấy rất vui khi vừa học, vừa chơi, được khám phá nhiều điều mới.

Học sinh được trải nghiệm tạo nên những sản phẩm STEM tại Ngày hội STEM mầm non cấp huyện năm học 2024 - 2025 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan tổ chức
Việc tiếp cận phương pháp giáo dục STEM không chỉ là một sự thay đổi về hình thức, mà đã thực sự tác động đến tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi nhận thấy rõ sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt hơn trong cách các cô thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục. STEM đã khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng khám phá và tư duy ở trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời, đem lại những hiệu quả thiết thực. Bà Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Gíao dục STEM mang lại không chỉ đơn thuần là những sản phẩm, mô hình các em tạo ra, mà quan trọng hơn phương pháp góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng mềm quan trọng như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy logic và khả năng giao tiếp. Đây chính là nền tảng vững chắc, chuẩn bị hành trang tốt nhất cho các em tự tin bước vào các cấp học tiếp theo, đồng thời nâng cao một cách bền vững chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh.
Với những lợi ích mà STEM mang lại cho trẻ mầm non đã thực sự giúp trẻ được chơi thông minh, học vui vẻ và trưởng thành. Qua đó, góp phần giúp các trường mầm non hoàn thành tốt việc đặt những nền tảng cần thiết cho trẻ phát triển toàn diện.