Tăng sức cạnh tranh cho nông sản - Bài cuối: Xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc sản
UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch tạo điều kiện các chủ thể, doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp để sản phẩm OCOP không chỉ chiếm lĩnh trị trường trong tỉnh mà còn cả nước, tiếp đến là hướng đi xuất khẩu.
Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho nông sản xuất khẩu là một trong những bước đi khẳng định tên tuổi của nông sản tại một địa phương để người tiêu dùng biết đến. Từ những thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng nhỏ nhất như: VietGAP, OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… được tiêu thụ tại thị trường trong nước đến các dòng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu như hữu cơ, GLOBALGAP… đều được tỉnh Đồng Nai hướng dẫn cho nông dân sản xuất nhằm mục đích nâng cao giá trị và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiệu quả nhất.
*Tiến tới OCOP, hành trình lâu dài
Chương trình OCOP vốn là chương trình tạo tiếng vang cho các loại nông sản đặc sản của mỗi địa phương. Cũng từ chương trình này, các loại nông sản như có thêm cánh cửa mở ra để hòa nhập vào thị trường trong nước và thế giới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng đã tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 27/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, phê duyệt kết quả đánh giá, chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 2 năm 2022 đối với 47 sản phẩm của 32 chủ thể; 58 sản phẩm của 40 chủ thể; tổng hợp nhu cầu đăng ký về sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 từ các địa phương với 61 sản phẩm của 35 chủ thể; hướng dẫn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cho các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023 (Văn bản số 761/SNN-PTNT&QLCL ngày 28/02/2023).
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã có 9/11 địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp huyện, kết quả có 47 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 là 10 sản phẩm); trong đó, có 43 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm đề nghị Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá 4 sao, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 196 sản phẩm của 107 chủ thể đạt chuẩn OCOP, trong đó 53 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Trong số sản phẩm OCOP của các đơn vị, thì có 38 sản phẩm OCOP của 18 hợp tác xã nông nghiệp.
Với số lượng sản phẩm OCOP này, tỉnh Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về phát triển sản phẩm OCOP. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nhờ vào chương trình OCOP, hiện nay, Đồng Nai hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con nông dân có cuộc sống ổn định hơn.
Nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà đã xuất khẩu với số lượng không nhỏ. UBND tỉnh Đồng Nai cũng có kế hoạch tạo điều kiện các chủ thể, doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp để sản phẩm OCOP không chỉ chiếm lĩnh trị trường trong tỉnh mà còn cả nước, tiếp đến là hướng đi xuất khẩu.
Để chương trình tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm Đồng Nai, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và chủ thể tham gia chương trình OCOP cần tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý, điều hành. Đồng thời, thực hiện quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch để sản phẩm OCOP phát triển bền vững.
Là một doanh nghiệp sản xuất nấm mèo, Công ty TNHH Thế giới định dưỡng Nutriworld tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai đã có sản phẩm nấm mèo đen đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Bà Đào Ngọc Hồng Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thế giới định dưỡng Nutriworld chia sẻ, nhằm chủ động hơn trong khâu đầu ra của sản phẩm; đồng thời, nâng cao giá trị của sản phẩm để xuất khẩu đi các nước như Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Pháp,… công ty đã dần cải thiện sản phẩm nấm mèo đen để đạt chuẩn OCOP 4 sao, có thể xuất khẩu sang các thị trường muốn đặt hàng với Nutriworld.
Cho đến nay, 90% sản lượng nấm mèo đen của công ty được xuất đi các nước châu Âu và nhiều nước khác, khoảng 10% được bán trong nước. Tùy vào nhu cầu của khách hàng mà công ty xuất khẩu số lượng nấm mèo phù hợp, dao động từ 5-10 tấn nấm/tháng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngoài số nấm tự sản xuất được, chúng tôi còn đặt hàng bà con trồng nấm trong khu vực với sản lượng từ 50 - 60 tấn nấm/năm. Nhờ đó, công ty có nấm để xuất khẩu quanh năm.
* Hướng sản phẩm đến xuất khẩu
Với sự đầu tư chất lượng cho các mặt hàng nông sản hiện nay, tỉnh Đồng Nai cũng đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để đưa nông sản của tỉnh đến các thị trường nước ngoài ngày càng nhiều hơn và khẳng định vị thế hơn trên thị trường thế giới hiện nay.
Để phát triển thị trường nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã phối hợp các ngành, địa phương kịp thời thông tin đến các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế; nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam để có giải pháp tổ chức sản xuất; kịp thời hướng dẫn cho nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Ông Trần Lâm Sinh cho biết, việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Kết quả trong năm 2023 có thêm 10 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được UBND các huyện phê duyệt, nâng tổng số dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND là 22 dự án/kế hoạch.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 106 doanh nghiệp, 63 hợp tác xã và 14.431 trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết; trong đó: 151 chuỗi trồng trọt, 44 chuỗi chăn nuôi, 5 chuỗi thủy sản và 7 chuỗi lâm nghiệp. Những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ này đều hướng đến tạo ra nguồn nông sản chất lượng theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản Đồng Nai như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Trung Quốc,…
Để có được sản phẩm OCOP 5 sao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã hợp tác với Công ty TNHH Ca cao Ken Nhật Bản để phát triển sản phẩm. Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Công ty ca cao Trọng Đức, để có dòng sản phẩm chất lượng, Trọng Đức chú trọng vào việc xây dựng vùng chuyên canh, quản lý khâu trồng trọt rất kỹ lưỡng theo hướng an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, quan tâm phát triển những giống mới, hiểu thị trường để cung cấp những loại hạt ca cao mà thị trường thế giới đang cần, trong đó có những dòng hạt ít thông dụng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thế giới về những loại chocolate cao cấp, khác biệt với những dòng truyền thống thông dụng trước đó. Và điều kiện cuối cùng là kỹ thuật ủ hạt chuyên nghiệp, cho ra những loại hạt chất lượng rất tốt để làm ra những thanh chocolate cao cấp có hương vị tinh tế, tuyệt vời nhất.
Đánh giá về dòng sản phẩm bột ca cao đạt chuẩn OCOP 5 sao, có thể xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Nakano Toshimi, Tổng giám đốc Ca cao Ken cho biết, ông Nakano đã có nhiều chuyến đến Đồng Nai, tìm hiểu về thị trường ca cao Việt Nam, vào tận xưởng sản xuất của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn công nhân về kỹ thuật chế biến chocolate theo chuẩn quốc tế. Hạt ca cao của Đồng Nai có đặc thù riêng là rất thơm, có vị chua, ít đắng… là những yếu tố làm ra loại chocolate ăn không gây ngán. Cây ca cao trồng trên đất Đồng Nai hoàn toàn có lợi thế về chất lượng và có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây chính là lợi thế của Đồng Nai khi muốn phát triển sản phẩm ca cao ra thị trường thế giới.
Bài 1: Chất từ vườn cây, trang trại