Tăng sức hấp dẫn từ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang có 267 doanh nghiệp và 16 hợp tác xã đăng ký thành lập mới, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 768 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,04%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Những kết quả này là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điểm đến hấp dẫn

Là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào Tuyên Quang hơn 10 năm qua, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang phát triển ổn định và liên tục nhận bằng khen từ UBND tỉnh vì thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Duy Luân, Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang chia sẻ: Một trong những yếu tố quan trọng giúp công ty phát triển là sự đổi mới, nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng hồ sơ liên quan, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Hiện nay, công ty đang mở rộng sản xuất gang thép theo quyết định của UBND tỉnh. Năm 2024, sản lượng thép đạt 290.000 tấn, vượt 10.000 tấn so với kế hoạch, doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng. Công ty cũng tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương, với thu nhập trung bình từ 7 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Huyện Sơn Dương cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với lợi thế về vị trí địa lý, tiếp giáp với Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ. Huyện đã tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) và thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp.

Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 tạo việc làm cho hơn 2.000 công nhân.

Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 tạo việc làm cho hơn 2.000 công nhân.

Hiện trên địa bàn có Khu công nghiệp Sơn Nam với 7 dự án, tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, và Cụm công nghiệp Phúc Ứng với 12 dự án, tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng. Huyện cũng đang quy hoạch thêm các cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, Tam Đa trong giai đoạn 2021 - 2030, giúp Sơn Dương trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của tỉnh.

Năm 2023, Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mở ra cơ hội bao tiêu nông sản cho người dân. Ông Trương Văn Hùng, Quản lý Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW nhận định: Sơn Dương có môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn. Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư và mặt bằng xây dựng. Hiện nay, công ty đầu tư nhà máy với diện tích 4,5 ha, giá trị đầu tư gần 46 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết tuần hoàn giữa nhà máy - hợp tác xã - người nông dân, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực chế biến rau, củ, quả xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời, nhà máy cũng đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch

Nhận thức rõ vai trò của môi trường đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; triển khai Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhờ đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2023 đạt 65,45 điểm, tăng 2,59 điểm so với năm 2022, trong có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm; Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh là 20,08 điểm. Chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và cấp huyện năm 2024 tiếp tục được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những cải thiện trong môi trường kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại Tuyên Quang tăng đáng kể. Năm 2024, tỉnh có 267 doanh nghiệp đăng ký mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên 2.837, với tổng vốn đăng ký trên 35.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh có thêm 16 hợp tác xã mới, nâng tổng số lên 606 hợp tác xã, với tổng vốn gần 2.400 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, Tuyên Quang đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 72 dự án với tổng vốn đăng ký trên 31.165 tỷ đồng. Tính đến nay, tỉnh đã phê duyệt 394 dự án với tổng vốn đăng ký trên 74.800 tỷ đồng, trong đó 292 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư trên 28.129 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Danko; Tập đoàn Flamingo; Công ty cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại GO!…

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2025, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện các chỉ số thành phần, phấn đấu vị trí xếp hạng (PCI) của tỉnh nằm trong các tỉnh có điểm số khá của cả nước với điểm số đạt trên 68,5 điểm; phấn đấu 4 Chỉ số thành phần của Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) có điểm số khá của cả nước, điểm số đạt trên 23,3 điểm; có trên 350 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên 3.000 doanh nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Tuyên Quang cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động nghiên cứu, rà soát khẩn trương tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc bất cập mà các doanh nghiệp vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; tổ chức thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…

Việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh sẽ giúp Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tang-suc-hap-dan-tu-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-207081.html