Tăng thuế thuốc lá để giảm sự tiếp cận và tiêu thụ thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y, gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường.
Gánh nặng nhiều mặt do thuốc lá gây ra
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ ba ASEAN. Sử dụng thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, hô hấp, sinh sản…). Ước tính trung bình số điếu thuốc hút trong ngày ở Việt Nam lên tới gần 217 triệu điếu. Thực trạng này đã tiêu tốn 49.000 tỉ đồng/năm cho việc mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).
Với hơn 15 triệu người hút thuốc, WHO ước tính nước ta có khoảng 40.000- 70.000 ca tử vong sớm/năm do sử dụng thuốc lá. Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá. Tính toán cho thấy, chi phí y tế (trực tiếp và gián tiếp) do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022…
Cần thiết cải cách thuế thuốc lá
Việt Nam là quốc gia thứ 47/183 tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá với nhiều biện pháp mạnh mẽ đã được triển khai để hạn chế các tác hại do thuốc lá gây ra. Trong đó, thuế và giá là giải pháp được cho là có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá khác. Đây cũng là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng.
Nhiều ý kiến cho rằng, bổ sung thuế tuyệt đối và chuyển đổi sang phương thức áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá là hết sức cần thiết, nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng. Thuế tuyệt đối có xu hướng làm tăng giá thuốc lá cao hơn. Việc bổ sung thuế tuyệt đối trong cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là phù hợp theo khuyến cáo của WHO và đem lại nhiều lợi ích thiết thực như làm giảm những sản phẩm thuốc lá giá rẻ, từ đó giúp giảm sự tiếp cận và sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên, đem lại tác động tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng…
Tại khu vực Đông Nam Á, đa số các nước cũng đang áp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Hiện có 6 quốc gia (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar) đang áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối, 2 quốc gia (Lào, Thái Lan) áp dụng thuế hỗn hợp và chỉ có 2 quốc gia (Việt Nam, Campuchia) còn đang áp thuế theo tỉ lệ.
Tăng thuế thuốc lá sẽ giảm bệnh tật, tử vong. Chính vì vậy, WHO khuyến nghị phương án thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam cần đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc và giữ nguyên mức thuế tỉ lệ 75% vào năm 2030. Phương án này sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020.