Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần lộ trình phù hợp
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kì họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để xuất: tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia. Trong đó, có một số nội dung thay đổi quan trọng như đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam được đánh giá là khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó,mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu,bia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các phương án lộ trình tăng thuế cần nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi, cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng với lợi ích của sắc thuế, đồng thời đảm bảo sự hài hòa với các quy định thông lệ của các nước trên thế giới.
Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch VBA cho biết: “Chúng tôi cũng đang mong muốn ngành và các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng với Chính phủ , luôn đồng hành với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì các doanh nghiệp mong muốn là với đề xuất tăng thuế như vậy các cơ quan Nhà nước, ban soạn thảo cũng như quốc hội, Chính phủ xem xét mức tăng cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay cũng như lộ trình tăng nó được giãn ra”.
Ông Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn – Tổng Cục thuế cũng cho biết thêm: “Việc thu thuế sẽ tác động thay đổi hành vi về sản xuất, về tiêu dùng, về thu nhập. Cùng với việc đó sẽ có tác dụng trong việc tác động đến quan hệ cung cầu, quan hệ trong xã hội.Việc điều chỉnh một cách đột ngột cũng khiến cách doanh nghiệp khó thích nghi kịp, do đó cần phải tìm hiểu, thu nhập ý kiến sâu rộng, kỹ càng.”
Qua khảo sát tình hình thế giới, thuế tiêu thụ đặc biệt giúp tăng ngân sách, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và định hướng sản xuất, tiêu dùng. Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn cũng rất khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Ông Bùi Ngọc Tuấn – Phó Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế và pháp lý - Deloitte Việt Nam cũng lưu ý ở một số nước như: Anh, Malayssia, Philipines, Bỉ khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và đánh vào mặt hàng đồ uống có cồn thì các nước đó đã giảm sản lượng tiêu thụ , giảm mạnh thu ngân sách, đặc biệt ảnh hưởng tới an sinh xã hội vì nhiều nhà máy đóng cửa.
Thống kê của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam (USABC) cho thấy tại các nước thu nhập thấp và trung bình, thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm khoảng 1-2% GDP. Còn tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, loại thuế này đóng góp trung bình khoảng 3% GDP.
Do vậy, từ kinh nghiệm quốc tế, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn phải được đặt ở mức hài hòa, hợp lý và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của mỗi quốc gia.
Do thuế suất cao sẽ gia tăng khoảng cách lợi ích giữa các sản phẩm chính thức với các sản phẩm phi chính thức, từ đó gián tiếp thúc đẩy hoạt động buôn lậu.