Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay?
Ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành công nghiệp quan trọng, gắn với lịch sử văn hóa, đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội. Hàng năm ngành đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 60 ngàn tỷ đồng, tạo hàng triệu việc làm trực tiếp trong các cơ sở sản xuất và gián tiếp trong chuỗi cung ứng, dịch vụ.
Bia là sản phẩm chiếm tỷ trọng trên 98% đồ uống có cồn, Việt Nam tuy không phải là đất nước có xuất xứ về bia nhưng bia là sản phẩm đồ uống có độ cồn thấp, phù hợp với nhu cầu giải khát, được người tiêu dùng đón nhận và nếu sử dụng hợp lý thì có lợi cho sức khỏe. Bia sản xuất trong nước đã góp phần quan trọng vào chống hàng lậu gây thất thu ngân sách nên ngành bia đã tồn tại song hành với đời sống của người dân trong những năm qua. Chúng ta cần có cái nhìn khách quan, thực tế về bia và ngành đồ uống có cồn ở Việt Nam như các nước khác trên thế giới.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, các chính sách làm hạn chế tiêu dùng đồ uống có cồn, đồ uống có cồn không chính thống đang lưu thông chiếm tới 63,9% tổng lượng tiêu thụ (WHO 2021), doanh nghiệp chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét.
Bên cạnh đó còn chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024, đặc biệt là việc sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) dự kiến sẽ điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn và bổ sung mặt hàng Nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong thời gian tới sẽ gây tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp luôn trong tâm thế mong chờ những chính sách hỗ trợ phục hồi, nuôi dưỡng sản xuất. Do vậy, chưa nên tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia ít nhất đến năm 2026 và chưa bổ sung mặt hàng Nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB được coi là một chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành đồ uống theo đúng NQ 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền” và chỉ đạo của Bộ Chính trị ngày 21/7/2023, tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất.
Theo một số kết quả của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018- 2020) do Bộ Y tế công bố và Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN năm 2021 tỷ lệ thừa cân béo phì (TCBP) của nhóm người trưởng thành tại Việt Nam lại ở mức thấp gần nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới thì TCBP là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” chỉ ra 06 nhóm nguyên nhân liên quan đến béo phì: chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể chất, giới tính, tuổi tác, di truyền, nội tiết, chế độ sinh hoạt như căng thẳng, thiếu ngủ cũng có thể gây ra TCBP.
Đường chỉ đóng góp chưa tới 3,6% trong tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chủ yếu đến từ ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%,. Khảo sát thực tế trên thị trường cho thấy hàm lượng calories trung bình có trong 100 ml nước giải khát có đường (44 kcal) thấp hơn nhiều so với hàm lượng calories trung bình trong 100 gam các loại thực phẩm có chứa đường khác như bánh (448 kcal), kẹo (403 kcal), các thực phẩm phổ biến trong khẩu phần ăn hàng ngày như thịt bò (182 kcal), thịt gà (199 kcal), cá thu (166 kcal), hay các sản phẩm được chế biến sẵn phổ biến như pate (326 kcal).
Theo thống kê của Obesity Evidence Hub, có khoảng 45 quốc gia (chưa đến ¼ các nước trên thế giới) áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường nhưng nghiên cứu ở nhiều quốc gia đã áp dụng cho thấy rằng chính sách thuế này là không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ TCBP hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do hiệu ứng hàng hóa thay thế, trong khi lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế và việc làm.
Đan Mạch, Nauy đã bãi bỏ chính sách này vì ảnh hưởng tiêu cực kinh tế và việc làm. Bang California, Mỹ đã thông qua dự luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới kể từ tháng 6 năm 2018. Nhật Bản có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/ năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở Nhật Bản chỉ 3,5%. Chính phủ nước ngày không áp dụng thuế đối với đồ uống có đường mà thi hành các chính sách giáo dục dinh dưỡng cộng đồng và khuyến khích hoạt động thể chất cho mọi lứa tuổi.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, nếu bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu TTĐB 10% thì sẽ khiến doanh thu của ngành giảm 3.159,5 tỷ đồng trong khi thu ngân sách chỉ tăng thêm 2.279,1 tỷ đồng, dẫn tới tổng thiệt hại với nền kinh tế là 880,4 tỷ đồng.
Cần cân nhắc thật kỹ lưỡng thời điểm tăng thuế TTĐB và việc mở rộng các đối tượng mới chịu thuế TTĐB, là một chính sách lớn có tác động sâu rộng tới các thành phần kinh tế-xã hội cần phải nghiên cứu đầy đủ, khoa học, toàn diện, định tính, định lượng, đồng thời hài hòa các lợi ích từ góc độ nhà nước, xã hội và doanh nghiệp khi thực hiện.