Tăng tính liên kết, hài hòa lợi ích doanh nghiệp nội – ngoại
Việc Việt Nam đẩy mạnh tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút các 'đại bàng' là các tập đoàn lớn được giới phân tích đánh giá là thành công, nhưng việc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tạo ra chuỗi giá trị lại có vẻ chưa được như mong muốn.
Dự thảo Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Được biết, mục tiêu mà Dự thảo hướng tới là đảm bảo hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và nhỏ, ưu tiên kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu…
Liên kết còn lỏng lẻo
Thực ra, câu chuyện về sự liên kết yếu kém giữa DN FDI và DN trong nước không phải là mới. Nhưng câu chuyện này sẽ ngày càng nóng hơn, bởi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế quốc, và nếu không có được sự liên kết thì khả năng cạnh tranh của DN trong nước sẽ ngày càng yếu.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, trong một lần trao đổi với báo chí khi nói về mối quan hệ hợp tác doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã nói rằng, lâu nay trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn được coi là động lực phát triển thì DN trong nước vẫn èo uột. Các DN FDI được ông Lộc mô tả là "ốc đảo" trong nền kinh tế và hiệu ứng lan tỏa của các DN này không đáng kể.
Trong khi đó, các DN tư nhân trong nước lại ở trong cảnh “cô đơn” trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. "Họ cô đơn do chính sách chưa thực sự đóng vai trò yểm trợ để kết nối với các doanh nghiệp FDI, và bản thân các doanh nghiệp FDI cũng chưa thực sự tích cực kết nối với họ,” ông Lộc chia sẻ.
Điều ông Lộc nói không phải không có lý, bởi nhìn lại thực tế trong hơn 30 năm thu hút vốn FDI, những tác động lan tỏa, liên kết từ các DN nước ngoài vào các DN trong nước vẫn còn rất hạn chế. Các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, và sự chuyển giao công nghệ cũng vẫn rất hạn chế.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, con số mà Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra tuần trước cho thấy, chỉ tính riêng quý I năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước - đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.
Đáng chú ý, trong quý I năm nay, số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I năm ngoái. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Bởi vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn tin rằng, Việt Nam vẫn có thể khai thác tốt các dư địa, phát huy thế mạnh nhờ vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện và tiến bộ. Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông và năng lượng cũng đồng bộ hơn nên sẽ hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài trong việc sắp xếp mạng lưới sản xuất theo xu hướng đa dạng hóa khu vực, đẩy mạnh xuất khẩu.
Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Intel, Honda, Panasonic, Luxshare, Pegatron, Winston… đã liên tục đổ vốn vào Việt Nam, nhưng dường như sự tham gia của các doanh nghiệp nội vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này còn rất hạn chế. Tuy các doanh nghiệp nội cũng đã có sự phong phú và đa dạng, giải quyết tốt vấn đề việc làm cho xã hội, nhưng thiếu các DN lớn đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng để dẫn dắt cuộc chơi ngay tại thị trường trong nước cũng như tham gia cuộc chơi hội nhập
Liên kết và tác động lan tỏa
Một báo cáo gần đây được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cũng thừa nhận, mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn đang là hạn chế lớn nhất trong thu hút và sử dụng vốn FDI. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân chỉ ở mức 20-25%, trong đó, dệt may, da giày ở mức 40-45%; điện tử gia dụng 30-35%; lắp ráp ô tô cá nhân chỉ 7-10%.
Nhìn vào những chỉ số này, dường như ai cũng đều hiểu được tầm quan trọng của việc tạo ra mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Nhưng làm thế nào để tạo được sự liên kết đó lại là một vấn đề không dễ giải quyết.
Mới đây, trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Samsung và chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng và triển khai Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023.
Dự án với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng mô hình nhà máy thông minh trong 02 năm (2022-2023). Nói về những nỗ lực kết nối của Samsung với doanh nghiệp Việt, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2021, Samsung đã tư vấn cải tiến cho 379 doanh nghiệp. Nhờ nỗ lực này, số lượng các nhà cung ứng cho Samsung là doanh nghiệp Việt cũng gia tăng nhanh chóng.
Nhưng Samsung vẫn chỉ là một số ít trong số các doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong nước. Còn nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn khi đầu tư vẫn kéo theo cả một hệ sinh thái là các doanh nghiệp nhỏ để cung cấp nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ chứ chưa đặt niềm tin đó vào doanh nghiệp Việt.
Nền kinh tế Việt Nam liên tục phát triển, số lượng DN FDI không ngừng tăng nhanh nhưng rõ ràng, vẫn tồn tại khoảng cách giữa các DN FDI và DN tư nhân trong nước; vẫn tồn tại “ranh giới” giữa hai cộng đồng DN trong một nền kinh tế, thiếu sự kết nối và hợp tác giữa hai khu vực DN này.
Bởi vậy, khi Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép nội dung Đề án “Đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới” vào Đề án “Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030” được các doanh nghiệp rất mong chờ và đón nhận.
Nhất là về quan điểm, Thủ tướng cho rằng, cần thể hiện rõ hơn yêu cầu: Xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư nhỏ, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý tiên tiến; Đầu tư nước ngoài góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với tạo việc làm, sinh kế cho người lao động; Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; Phát triển hàm lượng giá trị gia tăng trong nước, gắn liền việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; Khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém đồng thời phát huy các ưu điểm trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài.
Đây chắc chắn sẽ là những đòn bẩy quan trọng trong thu hút FDI trong giai đoạn tới, nhất là sẽ thúc đẩy, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.