Tăng tính linh hoạt, chủ động trong điều hành ngân sách

Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đề xuất tăng phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp trong công tác điều hành ngân sách đã được Quốc hội, hội đồng nhân dân thông qua.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Bổ sung thẩm quyền điều chỉnh dự toán cho Chính phủ, ủy ban nhân dân

Theo cơ quan soạn thảo, mục tiêu của việc sửa đổi luật là nhằm đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tiếp tục phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương; phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ, ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trong công tác điều hành ngân sách đã được Quốc hội, hội đồng nhân dân (HĐND) thông qua.

Cùng với đó, cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị được đổi mới theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc ban hành cơ chế, chính sách thu, chi ngân sách; xóa bỏ cơ chế xin - cho…

Trong đó, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung thẩm quyền "quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Việc điều chỉnh này trong phạm vi bội chi ngân sách, mức vay nợ cho ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Theo luật hiện hành, thẩm quyền này thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, quy trình tổng hợp, thẩm định và thông qua mất nhiều thủ tục, thời gian vì phải chờ để cấp thẩm quyền thông qua tại kỳ họp. Điều này dẫn đến chậm phát huy hiệu quả nguồn lực của ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị phân cấp giao Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự toán đã được Quốc hội thông qua.

Tương tự, về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, dự thảo bổ sung thẩm quyền “điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương” và định kỳ báo cáo Thường trực HĐND và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. Đối với UBND cấp tỉnh, bổ sung thẩm quyền “quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do HĐND giao”.

Hiện nay, thẩm quyền này thuộc Thường trực HĐND. Lý do đề xuất bổ sung thẩm quyền của UBND về điều chỉnh dự toán cũng nhằm tạo sự chủ động giữa HĐND và UBND cấp tỉnh để trong một số trường hợp cấp bách, cần thiết có thể ban hành các chế độ, tiêu chuẩn, định mức cụ thể kịp thời để thực hiện ngay.

Xây dựng dự toán sát thực tế hơn

Bên cạnh đó, dự thảo cũng có nhiều nội dung mới về lập dự toán, chấp hành ngân sách nhà nước. Theo đó, bên cạnh kế thừa quy định của luật hiện hành, dự thảo bỏ quy định về giao số kiểm tra hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ bố trí dự toán.

Trên thực tế, quy định này mang tính hình thức. Qua thực tiễn triển khai, số kiểm tra chưa đi vào thực chất, chủ yếu do công tác dự báo thu chưa sát nên số kiểm tra thu thường được giao cao, trong khi số kiểm tra chi thường giao thấp và chưa bao quát hết phạm vi chi. Tại thời điểm xây dựng số kiểm tra, các chính sách, chế độ chi chưa được ban hành đầy đủ, chưa bao quát hết được khối lượng, nhiệm vụ sẽ thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương nên chưa thật sự trở thành căn cứ quan trọng, có ý nghĩa lớn trong định hướng xây dựng dự toán ngân sách.

Theo định nghĩa tại khoản 22 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, số kiểm tra chỉ có tính chất định hướng, không phải là cam kết bố trí dự toán, không phải số trần hay số sàn. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ràng buộc nên thường có xu hướng tập trung vào các nhu cầu cụ thể của từng năm, dẫn đến thói quen lập dự toán tăng dần cho các nhu cầu phát sinh mới theo thời gian, mở rộng chi tiêu công quá mức trong những năm kinh tế phát triển, không chủ động dành nguồn lực lường trước các khó khăn trong tương lai sẽ thu hẹp dư địa.

Dự thảo cũng bỏ việc lập Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm và các quy định liên quan. Thực tiễn triển khai cho thấy, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm của các bộ, địa phương chưa đi vào thực chất. Nội dung 2 năm tiếp theo của kế hoạch sơ sài, không phản ánh được các mục tiêu, định hướng chiến lược của ngành, lĩnh vực sẽ cần đạt được.

Hiện nay, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, kế hoạch đầu tư công trung hạn đều được xây dựng trong mỗi giai đoạn là 5 năm; chưa có kế hoạch lập 3 năm cuốn chiếu tương ứng.

Ngoài ra, để tăng tính chủ động trong điều hành, quy định về ứng trước dự toán ngân sách năm sau được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tới tất cả các cấp ngân sách. Phạm vi được ứng trước dự toán năm sau được mở rộng bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên để thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng của ngân sách các cấp.

Dự thảo bỏ quy định chi ứng trước đối với các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và đồng thời, nâng mức ứng trước từ 20% lên 30% tổng dự toán chi của chương trình, nhiệm vụ, dự án. Việc mở rộng quy định như vậy sẽ đáp ứng xử lý kịp thời các nhiệm vụ chi phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án, Bộ Tài chính cho biết.

Ngày 11/4, Bộ Tài chính sẽ tổ chức Hội nghị xin ý kiến về hồ sơ sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước. Hồ sơ xây dựng luật được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Mở rộng khái niệm, phạm vi chi đầu tư phát triển

Tại dự thảo, phạm vi chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước được mở rộng để bao quát hết các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển hiện nay mà ngân sách nhà nước đang phải bố trí nhưng cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.

Theo đó, chi đầu tư phát triển gồm: chi đầu tư công từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật đầu tư công; chi thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước; chi bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp/ngân hàng từ nguồn chia cổ tức phần lợi nhuận còn lại bằng cổ phiếu (sau khi đã nộp thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt); chi thực hiện các cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài,...

Khái niệm “chi đầu tư xây dựng cơ bản” được thay bằng “chi đầu tư công”. Bởi hiện nay, khái niệm chi đầu tư xây dựng cơ bản ít được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-tinh-linh-hoat-chu-dong-trong-dieu-hanh-ngan-sach-174330-174330.html