Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero
Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực hành động nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
Ngày 19/9, tại sự kiện “Phát triển bền vững 2024” với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp một số đơn vị tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các diễn giả đã trao đổi về cơ chế chính sách, kết quả mới nhất trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và những bước tiếp theo trong tiến trình chuyển đổi phát triển bền vững.
Theo ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, bên cạnh biến đổi khí hậu thì suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thiệt hại về kinh tế, gia tăng bất bình đẳng và xung đột xã hội... là những hậu quả ngày càng thấy rõ hơn từ việc phát triển thiếu bền vững. Nếu các bên liên quan không nhanh chóng bắt tay đối phó thì hậu quả để lại cho thế hệ sau này sẽ còn nặng nề hơn.
Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực hành động nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam cũng đạt được những kết quả tích cực ban đầu sau khi thực hiện trong thời gian qua. Những hành động này, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Toại, Trưởng Văn phòng phía Nam Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này như quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phát triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu... Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh, với nhiều doanh nghiệp đang thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị), hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên theo thống kê, Việt Nam vẫn là quốc gia có mức độ phát thải CO2/tăng trưởng GDP cao trong khu vực châu Á. Để đạt cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh, cũng như giảm lượng carbon khoảng 78%.
Đặc biệt, chính sách xanh ở các quốc gia nhập khẩu liên tục phát triển theo thời gian, chuyển đổi về yêu cầu “chuẩn xanh”. Đồng thời không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả loại hàng hóa xuất khẩu hay thị trường thì bài toán vượt qua các rào cản thương mại trên thị trường toàn cầu là vấn đề sống còn đối với cả doanh nghiệp lẫn quốc gia xuất khẩu như Việt Nam.
Liên quan đến tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra rằng, muốn tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và doanh nghiệp cần có những hành động mới và bám sát sự biến đổi của xu hướng thị trường toàn cầu. Cụ thể, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh; thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh...
Về phía doanh nghiệp, nếu không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường do rào cản về chi phí thuế và vấn đề uy tín. Điển hình, doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố ESG, đảm bảo cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường.
Hơn thế nữa, trước những thách thức chuyển đổ xanh, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo; liên kết với doanh nghiệp FDI nhằm đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại quốc tế.
Cùng với đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ với các đơn vị nghiên cứu, chính sách, tích hợp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm đáp ứng xu thế thương mại và sản xuất toàn cầu.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-toc-cho-nen-kinh-te-net-zero/347656.html