Tăng tốc công nghiệp hóa thời đại số và xanh: Việt Nam cần gì để vươn lên
Sau gần 40 năm Đổi mới, ngành công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế với đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP, xuất khẩu và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động và xu hướng phát triển mới, công nghiệp Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để bứt phá, nhưng cũng đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Công nghiệp Việt Nam trước thời cơ vàng, chuyển mình để vươn tầm khu vực
Cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh mới
Ngành công nghiệp Việt Nam hiện đang chịu tác động kép từ cả yếu tố bên ngoài và nội tại. Trên bình diện quốc tế, các cú sốc như đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng và làn sóng bảo hộ thương mại đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu. Dòng đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia ổn định, thân thiện và có tiềm năng phát triển xanh - thông minh. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng vị thế địa chính trị thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là phép thử cho khả năng thích ứng nhanh, đổi mới và sáng tạo.
Ở trong nước, bên cạnh những kết quả khả quan, ngành công nghiệp vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn. PGS.TS. Nguyễn Xuân Dũng - Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải chỉ rõ: Ngành công nghiệp còn thiếu khung pháp lý đặc thù cho các lĩnh vực mũi nhọn, năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thấp, hạ tầng chưa đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế.
Đặc biệt, hai xu hướng toàn cầu là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với ngành công nghiệp Việt Nam. Nếu thích ứng tốt, đây sẽ là bàn đạp để nước ta tăng tốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngược lại, nếu chậm chân, nguy cơ tụt lại phía sau là hiện hữu.

Việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trong giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, ngành công nghiệp Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP duy trì ở mức cao, với công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực, chiếm khoảng 25% GDP và đóng góp trên 80% kim ngạch xuất khẩu.
6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, mức cao nhất kể từ năm 2020. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3% trong quý II, sản xuất ô tô tăng 31,5%, da giày 17,1%, cao su và nhựa 17%, dệt may 15,1%, máy móc - thiết bị 12-13%.
Cùng với đà phục hồi của đầu tư công và thị trường bất động sản, các ngành sản xuất vật liệu như xi măng, thép, bê tông… cũng đang được hưởng lợi. Ngoài ra, chính sách thương mại thuận lợi với Mỹ và FTA thế hệ mới giúp các ngành điện tử, dệt may, da giày tiếp tục giữ vững lợi thế xuất khẩu. Thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và máy tính.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Lê Đình Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành công nghiệp vẫn còn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, giá trị gia tăng nội địa thấp, doanh nghiệp nội địa yếu trong tiếp cận công nghệ cốt lõi, thiếu năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) và chưa hình thành các cụm công nghiệp mang tính lan tỏa. Hạ tầng công nghiệp còn manh mún, thiếu quy hoạch tích hợp. Các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện còn ít, chưa tạo được sức hấp dẫn với thế hệ nhà đầu tư mới.
TS. Trần Thị Vân Anh - Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới nhấn mạnh. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là xương sống để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc nhập khẩu và gia tăng hiệu quả của các FTA.

Chuyển đổi số đã góp phần tăng trưởng quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Năm trụ cột phát triển công nghiệp hiện đại, xanh và số
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển công nghiệp. Việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết để định hướng chiến lược dài hạn, điều phối nguồn lực và tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù cho các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, công nghiệp sinh học, công nghiệp robot…
Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư và duy trì ổn định vĩ mô. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hạ tầng, logistics và dịch vụ công. Việc tinh giản bộ máy hành chính địa phương, giảm trung gian, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất - kinh doanh là tín hiệu tích cực cần được mở rộng.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao. Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất lao động. Cần có chương trình đào tạo nghề phù hợp với xu hướng công nghệ số và xanh, khuyến khích mô hình hợp tác ba bên: nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước. Đồng thời, tăng cường liên kết với các trung tâm đào tạo quốc tế, các doanh nghiệp FDI trong việc chuyển giao kỹ năng và công nghệ.
Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Chuyển đổi từ mô hình “lắp ráp - gia công” sang “sáng tạo, làm chủ công nghệ” là hướng đi tất yếu. Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng trung tâm R&D, khu công nghệ cao, các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo và có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, ứng dụng.
Thứ năm, phát triển các cụm công nghiệp và tăng cường liên kết vùng. Việc quy hoạch phát triển công nghiệp theo ngành và vùng cần dựa trên thế mạnh địa phương, gắn với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển các cụm công nghiệp có sự liên kết chặt giữa doanh nghiệp - viện nghiên cứu - trường đại học để nâng cao giá trị sản xuất, chia sẻ công nghệ và rút ngắn thời gian đổi mới.
Mục tiêu đến năm 2030 là Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đứng trong top 3 ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 40% GDP, trong đó công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 30%, giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm trên 45%.
Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chính sách nhất quán và sự tham gia đồng bộ từ khu vực nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.
“Công nghiệp không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là thước đo năng lực sáng tạo, tổ chức và thích ứng của một nền kinh tế hiện đại. Nếu chúng ta chậm chân trong công nghiệp hóa, sẽ khó giữ được vị thế trong trật tự kinh tế toàn cầu đang tái định hình”, PGS. TS. Nguyễn Xuân Dũng kết luận.
Trong thời đại chuyển đổi số và xanh, việc tăng tốc công nghiệp hóa không đơn thuần là mở rộng quy mô sản xuất, mà là chuyển mình về chất: từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ sang mô hình phát triển dựa trên công nghệ, sáng tạo và bền vững. Việt Nam đang có thời cơ lịch sử để thực hiện bước nhảy vọt này, nhưng cần hành động quyết liệt, đồng bộ và chiến lược.