Tăng tốc đào tạo nhân lực công nghệ trình độ cao
Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là ngày để tôn vinh những đóng góp to lớn của người lao động trong sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn của kỷ nguyên vươn mình, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt, góp phần nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và đẩy mạnh các chính sách đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực vững mạnh, góp phần xây dựng một nền kinh tế tri thức, bền vững và hội nhập quốc tế.
Trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, kỷ nguyên mới mà chúng ta đang bước tới - với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững - đòi hỏi phải có tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW - xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá hàng đầu để thúc đẩy phát triển quốc gia. Trong bối cảnh đó, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, vừa am hiểu công nghệ, có tư duy quản trị dữ liệu, vừa có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết, có thể coi đó là xung lực mới cho quốc gia.
Theo các chuyên gia, vai trò then chốt của hai công nghệ lõi bán dẫn và AI, trong sự phát triển toàn cầu đã được chỉ rõ khi được coi là các yếu tố định hình tương lai nhân loại. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị công nghệ, nhờ lợi thế về nhân lực và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ.
Việt Nam có tiềm năng lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nhờ nguồn nhân lực trẻ và sự hiện diện ngày càng tăng của các tập đoàn lớn. Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu.
Song, thách thức lớn nhất hiện nay của Việt Nam là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Theo tính toán, Việt Nam cần đào tạo 50.00-100.000 kỹ sư ngành bán dẫn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Chính phủ cũng đã ban hành hai quyết định chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
Lực lượng lao động nước ta ước đạt 53,2 triệu người vào năm 2025, với cơ cấu chuyển dịch tích cực; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm mạnh, còn 25,8%; chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng cao với 70% lao động qua đào tạo.
Chúng ta đã tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực then chốt, như: công nghiệp bán dẫn, AI, công nghệ thông tin; bước đầu hình thành đội ngũ lao động với tư duy số và kỹ năng số ngày càng được nâng cao. Nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ, cần phải tăng tốc hơn trong việc đào tạo nhân lực công nghệ trình độ cao.
Hơn bao giờ hết, mối liên kết giữa trường đại học - doanh nghiệp - Chính phủ trong phát triển nhân lực ngành bán dẫn cần được đẩy mạnh. Tăng cường những chương trình đào tạo thực tiễn, gắn kết với trung tâm công nghệ lớn của thế giới để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Việc đào tạo nhân lực để đáp ứng cuộc cách mạng về công nghệ, chuyển đổi số phải gắn với thực tế doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động.
Muốn bứt phá trong kỷ nguyên công nghệ, Việt Nam phải bắt đầu từ con người - từ những kỹ sư được đào tạo bài bản, sẵn sàng hội nhập và làm chủ công nghệ lõi.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-toc-dao-tao-nhan-luc-cong-nghe-trinh-do-cao-post793365.html