Kinh tế tư nhân và hành trình vươn mình cùng Dân tộc
Trải qua gần 40 năm đổi mới, từ một loại hình kinh tế không được công nhận thì đến nay, kinh tế tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng cùng đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tổ Làm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương ngày 7/3/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Từ loại hình kinh tế không được công nhận…
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam là hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi thống nhất đất nước, công cuộc phát triển kinh tế đã được chú trọng, tuy nhiên loại hình kinh tế thời điểm đó chủ yếu vẫn là kinh tế hợp tác xã và các xí nghiệp quốc doanh. Kinh tế tư nhân chưa được công là một thành phần kinh tế cả trong đường lối, chính sách lẫn trong thực tế. Chỉ đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), chúng ta mới thừa nhận có thành phần kinh tế tư nhân. Đây là dấu mốc quan trong đánh dấu bước khởi xướng cho một loại hình kinh tế năng động.
Thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ vậy, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh. Đặc biệt, sau Đại hội X (năm 2006), khi chính thức được xác định là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tới Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định chủ trương: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Điều này cho thấy, Đảng ta đã nhận thấy rõ trong phát triển kinh tế, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân là một xu thế tất yếu, là một kênh quan trọng giúp Nhà nước thực thi nhiệm vụ kinh tế đã đề ra.
Có thể thấy, qua các kỳ đại hội, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, quan điểm của Đảng ta về kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân đã có những bước chuyển quan trọng. Song song với đó, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân cũng không ngừng được hoàn thiện thông qua việc ban hành hệ thống các luật; trong đó có thể kể đến những bộ luật có ý nghĩa quan trọng với khu vực kinh tế tư nhân như: Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990; Luật Doanh nghiệp các năm 1999, 2004, 2014 và 2020; Luật Đầu tư các năm 2004, 2014, 2020; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Nhờ đó, Việt Nam đã hình thành khung pháp luật chung, thống nhất về thành lập, tổ chức và hoạt động của các hình thức tổ chức kinh doanh áp dụng đối với mọi tổ chức kinh doanh không phân biệt về hình thức sở hữu và ngày càng tiệm cận với quy định, quy tắc chung của quốc tế.
Kinh tế tư nhân được tự do cạnh tranh và đối xử bình đẳng theo pháp luật so với kinh tế nhà nước, kinh tế FDI. Sự phân biệt, đối xử trong tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân dần được dỡ bỏ; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân phát triển thông qua hoàn thiện các chính sách thuế, công nghệ, thủ tục hành chính công…
… đến lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới
Trải qua gần 40 năm đổi mới, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, trong đó có khoảng 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiếp tục là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP; đóng góp hơn 56% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 82% tổng số lao động của nền kinh tế, khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, điểm mới trong các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng là quan điểm phát triển hài hòa các loại hình kinh tế trong 5 năm tới. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế". Khu vực này cùng kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định, những thành công trên chặng đường gần 40 năm đổi mới có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu. Trong hai thập niên gần đây, khu vực này trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra yêu cầu: “Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030”.
Tiếp đà vươn mình cùng Dân tộc
Dù đạt được nhiều thành công nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, việc cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong thực tiễn những năm qua còn nhiều hạn chế. Khu vực kinh tế tư nhân, trong nhiều trường hợp, còn gặp phải không ít rào cản và chưa thực sự nhận được sự đối xử công bằng trong tiếp cận các nguồn lực cũng như trong tiếp cận các cơ hội để tham gia vào các dự án lớn, các lĩnh vực chiến lược của đất nước.
Đánh giá thực chất khu vực kinh tế tư nhân nước ta hiện nay cũng cho thấy, bên cạnh một số ít doanh nghiệp có quy mô lớn và tiềm lực tương đối mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, thì phần lớn đều là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực hạn chế, thiếu sự kết nối, chậm đổi mới công nghệ, ít chú trọng tới đổi mới mô hình kinh doanh..., khiến cho sức cạnh tranh chưa cao.
Do vậy, để đạt được mục tiêu theo Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng điều chỉnh một số chỉ tiêu 2026-2030, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này từ 10% trở lên mỗi năm, cũng như quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra như nêu trên không chỉ đặt ra yêu cầu về việc cần phải đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức mà còn là yêu cầu phải hành động thực chất, đề ra được các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo được chuyển biến thực chất, hữu hiệu trong thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân nước ta trong giai đoạn mới.
Theo Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, để giải quyết được những hạn chế nêu trên, điều quan trọng nhất là cần tạo được môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Nhà nước thì cũng cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ tự đổi mới, vượt qua khó khăn thách thức, vượt qua chính mình từ phía các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Trong đó, không có cách nào khác là cần tập trung vào củng cố, thúc đẩy các yếu tố cốt lõi cho sự đổi mới và phát triển bền vững của doanh nghiệp, đó là: Đổi mới quản trị doanh nghiệp theo phương thức và tiêu chuẩn hiện đại; đào tạo và đào tạo lại để củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tập trung xây dựng và củng cố thương hiệu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững…
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, cùng khát vọng vươn lên của chính các doanh nghiệp, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước. Nếu tận dụng tốt các cơ hội, khu vực này sẽ trở thành nền tảng quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường trở thành một nền kinh tế phát triển độc lập, tự chủ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với nhóm giải pháp chung về cải cách thể chế, chính sách; cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp về đất đai, vốn, nhân lực so với các khu vực khác. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và lớn có thể vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, hoặc nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ tạo ra nhiều công ăn việc làm và giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhóm chính sách cho hộ kinh doanh hướng tới hoạt động minh bạch hơn…
Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng đã xây dựng báo cáo đề xuất 10 giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới, bảo đảm đồng bộ, toàn diện để tạo dựng môi trường chung thuận lợi, thông thoáng; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-tu-nhan-va-hanh-trinh-vuon-minh-cung-dan-toc.html