Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội. Vì vậy, thành phố cần chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn để tăng tốc giải ngân trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm còn thấp.
Năm 2025, kế hoạch đầu tư công của TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024. Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ giải ngân, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án để phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch.

Đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội là dự án trọng điểm của Thủ đô. Ảnh: THÁI HƯNG
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3-2025, TP Hà Nội mới giải ngân được khoảng 5.052 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, giá đất; tại một số nơi, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường; một số dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khác biệt về quy định pháp luật và hợp đồng quốc tế, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức.
Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao, TP Hà Nội cần tăng tốc giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành; chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức đánh giá đầy đủ các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện, trách nhiệm của tập thể cũng như cá nhân liên quan, đặc biệt là các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho hoạt động thi công, vì đây là điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Đồng thời, rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết; tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các đơn vị tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ triển khai bàn giao mặt bằng. Đẩy nhanh tốc độ thực hiện giải ngân các dự án trọng điểm và dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương; rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát, triển khai các dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026-2030, đối với các dự án hết thời gian thực hiện đến cuối năm 2024, UBND TP Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chậm nhất trước ngày 30-6-2025, trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn năm 2025 để triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt.
Trong năm 2025, TP Hà Nội phấn đấu khởi công 3 công trình cầu qua sông Hồng, gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, trong đó cầu Tứ Liên dự kiến khởi công vào ngày 19-5. Để đáp ứng được tiến độ, UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Đấu thầu và các quy định liên quan để đẩy nhanh quá trình đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách. Đối với dự án cầu Tứ Liên, thành phố đề nghị cho phép thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo dự án độc lập để triển khai thực hiện trước.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-824844