Tăng tốc hoàn thành sớm 3.000km cao tốc
Sáng 3/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh chủ trì hội nghị giao ban triển khai công tác tháng 2/2025. Một trong những nội dung trọng tâm được Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh là việc hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc trong năm nay.
Ngoài việc đặt ra yêu cầu cụ thể, Bộ trưởng cũng gợi mở một số giải pháp để kiểm soát chặt tiến độ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu, gia tải
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, dự kiến trong năm 2025 sẽ có khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc được hoàn thành, tập trung tại 28 dự án/dự án thành phần.
Với 17 dự án (tổng chiều dài 889 km) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, 13 dự án (745km) tiến độ đáp ứng yêu cầu, gồm: 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa (610 km); Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51,5km); Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29km); Bến Lức - Long Thành (trừ cầu Phước Khánh) dài 55km.
Bốn dự án (144 km) cần tập trung tháo gỡ khó khăn. Trong đó, tại cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (111 km), Ban QLDA Mỹ Thuận cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ bảo đảm công suất khai thác, điều chỉnh giải pháp thiết kế để rút ngắn thời gian gia tải, chờ lún.
Tại dự án Hòa Liên - Túy Loan (11,5km), dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (18 km), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và Ban QLDA 85 cần tiếp tục phối hợp với địa phương hoàn thành công tác GPMB, giải quyết dứt điểm việc cung vật liệu đá, đất đắp.
Với 11 dự án (tổng chiều dài 299 km) do địa phương làm cơ quan chủ quản, có 2 dự án (thành phần 3 Biên Hòa - Vũng Tàu; thành phần 7 Vành đai 3 TP.HCM) với tổng chiều dài 26 km tiến độ đáp ứng yêu cầu, cơ bản không còn nhiều vướng mắc.
9 dự án (Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Tuyên Quang và Hà Giang; thành phần 1, 3 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; thành phần 1, 3, 5 Vành đai 3 TP.HCM; thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu; thành phần 1 Biên Hòa - Vũng Tàu) với tổng chiều dài 158 km tiến độ chưa đáp ứng, cần tháo gỡ GPMB, nguồn vật liệu xây dựng, nỗ lực triển khai mới có thể hoàn thành năm 2025.
Thường xuyên rà soát năng lực nhà thầu
Nhấn mạnh nếu hoàn thành toàn bộ 1.188 km đang triển khai, ngành GTVT sẽ vượt cột mốc 3.000 km, song Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm lưu ý, hiện có gần 300 km cao tốc vẫn cần kiểm soát chặt tình hình triển khai.
"Riêng các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, Cục Đường cao tốc VN cần thường xuyên bám sát, tham mưu để lãnh đạo Bộ làm việc với địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết thêm, với các dự án giao thông lớn, trước đây khó khăn là nguồn vật liệu cát đắp, giờ là vật liệu thi công nền móng. Nhu cầu vật liệu thi công móng mặt ở các dự án khu vực Tây Nam bộ hay Cảng hàng không Long Thành đều đang tập trung ở Bình Dương, Đồng Nai.
Ban quản lý dự án cần tổng hợp nhu cầu vật liệu thi công nền, móng ở các dự án khu vực Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, kế hoạch lấy ở mỏ nào để có phương án điều hòa hợp lý giữa các dự án.
Bày tỏ yên tâm về tiến độ các đoạn tuyến cao tốc từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng, lo lắng nhất hiện nay là các dự án thành phần đi qua khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ đạo các chủ đầu tư phải thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực nhà thầu, ông cũng đồng thời yêu cầu nhân sự quản lý dự án phải thường xuyên có mặt ở hiện trường cùng cơ quan quản lý chất lượng, tư vấn, nhà thầu nhận diện vướng mắc, gỡ khó kịp thời.
"Riêng tại dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc trục ngang, việc thi công rất cần cát gia tải. Nhưng nếu cát không đủ, thời gian không còn, phải có giải pháp. Các cơ quan, kể cả các viện nghiên cứu phải cùng vào cuộc khảo sát, đánh giá, tìm phương án thi công để khu vực đất yếu sớm tắt lún nhưng vẫn đạt yêu cầu kỹ thuật", Bộ trưởng chỉ đạo.
Quyết tâm để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn
Đánh giá cao kết quả các cơ quan, đơn vị đạt được trong tháng 1/2025 và gửi lời chúc mừng đầu Xuân đến đại diện các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh: các cơ quan đã triển khai với tinh thần quyết liệt, quyết tâm.
Đặc biệt, ở lĩnh vực đường sắt, trong một thời gian rất ngắn đã hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến nhiều văn bản, dự thảo nghị quyết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đi thẳng vào các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu từ nay đến quý II/2025, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải được chú trọng. "Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn định mức còn thiếu ở các lĩnh vực là một trong các vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Không có định mức thì không thể xây dựng đơn giá", Bộ trưởng lưu ý.
Đề cập đến hoạt động đầu tư xây dựng, theo Bộ trưởng, khối lượng công việc thực hiện trong năm 2025 là rất lớn. Đường bộ phải hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc. Đường sắt bên cạnh phấn đấu khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng còn cần hoàn thành nghiên cứu đầu tư nhiều tuyến khác.
Nhiệm vụ quan trọng của ngành hàng không là cơ bản hoàn thành dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm đầu năm, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các chủ đầu tư, đoạn tuyến cao tốc nào hoàn thành dịp 30/4 tới đây thì tiếp tục nghiên cứu làm giai đoạn 2 (đầu tư mở rộng). Các dự án về đích giai đoạn sau cũng cần chuẩn bị sẵn phương án.
Đặc biệt quan tâm đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng lưu ý: một số gói thầu thuộc dự án chưa lựa chọn nhà thầu, tổng thể công trình mới được khoảng 30% giá trị. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối có nguy cơ chậm tiến độ. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn này cũng là vấn đề cần nhanh chóng tìm đáp án.
Với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cơ quan chuyên môn của Bộ cần hỗ trợ hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng hoàn thiện thủ tục, sớm đầu tư giai đoạn 2 để phát huy hiệu quả đầu tư.
"Đơn vị liên quan cần sớm nghiên cứu dự án đầu tư nâng cấp QL51 lên 8 làn xe quy mô đường đô thị theo 2 phương án: PPP hoặc đầu tư công (có thu phí), trước hết phải giải quyết dứt điểm công tác tài chính liên quan; Hoàn thiện đề án tháo gỡ vướng mắc các dự án BOT trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025; Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư đồng bộ khi các tuyến cao tốc vào khai thác", Bộ trưởng chỉ đạo.