Tăng tốc thi công cao tốc Bắc Nam ngay sau Tết
Tiếp nối không khí thi công không nghỉ xuyên Tết Nguyên đán Quý Mão, ngay sau kỳ nghỉ Tết, trên công trường các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, các Ban Quản lý dự án (BQLDA) giao thông, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị để khẩn trương tăng tốc thi công, đảm bảo tiến độ.
Tăng tốc ngay
Ghi nhận trên công trường dự án cao tốc thành phần Quốc lộ (QL) 45 - Nghi Sơn (1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020 qua tỉnh Thanh Hóa), những ngày đầu năm mới Quý Mão, không khí thi công tại hiện trường khẩn trương. Các nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực để đảm bảo tiến độ về đích vào tháng 8 năm nay. Tuyến cao tốc này dài 43,28 km do BQLDA 2 làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 7/2021.
Theo ông Cao Văn Hóa - Chỉ huy trưởng công trường gói thầu XL2 của dự án, những ngày đầu năm, các nhà thầu đã huy động 18 xe vận chuyển vật liệu, duy trì làm việc 3 ca 4 kíp, kịp thời đưa vào công trường các loại vật liệu và 16 máy ủi, máy san lấp, với gần 100 cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động trài dài trên tuyến thi công...
Công trường thi công dự án cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt cũng rầm rập tiếng động cơ thiết bị san ủi, đào đường, khoan hầm... Tại công trường thi công hầm Thần Vũ, các nhà thầu đã ra quân đầu năm mới, với các mũi thi công ồ ạt để đảm bảo bù tiến độ đã chậm. Hiện nay, nhà thầu đã đào được 164/567 m ống hầm và đang bố trí hệ thống máy khoan, máy phun vẩy bê tông, cùng khoảng 20 đầu xe máy khác, hơn 50 công nhân thi công 24/24 giờ, cam kết thông hầm vào cuối năm 2023.
Tại dự án cao tốc thành phần khác như: Nghi Sơn - Diễn Châu, ngay sau Tết, Vân Phong - Nha Trang, Phan Thiết - Dầu Giây, Cần Thơ - Cà Mau... ngay từ ngày 27/1 (mồng 6 Tết), các nhà thầu đã bắt tay vào việc, đảm bảo trên công trường gần 100% quân số, máy móc, tổ chức khai xuân 3 ca, 4 kíp hàng ngày, với hàng trăm mũi thi công...
Bên cạnh đó, tại dự án cao tốc thành phần Chí Thạnh - Vân Phong qua tỉnh Phú Yên, Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Trị... thuộc giai đoạn II 2021 - 2025, ngoài tập trung nhân lực, máy móc để thi công những hạng mục đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động lễ khởi công vào ngày đầu tiên của năm 2023, đại diện các nhà thầu đã tranh thủ có mặt bằng sạch đến đâu, thi công cuốn chiếu đến đó để đảm bảo tiến độ các dự án. Các địa phương có dự án đi qua cũng đã cam kết bổ sung đủ các mỏ vật liệu phục vụ thi công...
Tuy nhiên, theo đại diện các BQLDA và các nhà thầu, nỗi lo lớn nhất hiện nay của các dự án là tình trạng thiếu vật liệu trong giai đoạn tăng tốc. Đơn cử như tại dự án cao tốc thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban điều hành dự án, do thời gian thi công dự án kéo dài, các mỏ đất được cấp theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ đã hết hạn. Tính toán cho thấy, hạng mục đường gom, đường ngang tại dự án đang cần thêm khoảng 1 triệu m3 đất đắp để hoàn thành. Tỉnh Bình Thuận và Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ về việc tiếp tục gia hạn các mỏ vật liệu, dự án kỳ vọng chậm nhất đến giữa tháng 2/2023, đề xuất gia hạn khai thác mỏ vật liệu được chấp thuận để đảo bảo thi công...
Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), khó khăn lớn nhất đối với các dự án cao tốc Bắc Nam hiện nay là hầu hết các mỏ cát sử dụng đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ. Đối với khu vực dự án từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Chính phủ cũng khó đáp ứng nhu cầu. Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ có ý kiến với UBND các địa phương có dự án đi qua rà soát để nâng công suất các mỏ cát đang khai thác, sử dụng cho dự án.
Đảm bảo tiến độ giải ngân
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kiểm tra các dự án cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long những ngày đầu năm mới 2023.
Đối với dự án Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111 km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, do BQLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, tại hiện trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các nhà thầu bám sát công trường, vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công, kiểm soát, kiểm tra chặt tiến độ, chất lượng công trình, các vấn đề về môi trường và quan trọng nhất là tập trung, nỗ lực từ nay đến cuối năm triển khai giải ngân hết 6.000 tỷ vốn đầu tư công.
Tại dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp tục đôn đốc kiểm tra cùng với các địa phương, đơn vị tư vấn hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thi công cuốn chiếu để đảm bảo giải ngân đúng tiến độ; đồng thời, nêu rõ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hai nút thắt về hạ tầng và nhân lực, vì vậy, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông vận tải phải khẩn trương và chủ đầu tư, các nhà thầu phải cam kết về kết quả thi công về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, không đội vốn, xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khởi công, thi công các dự án cao tốc chỉ là bước khởi đầu. Điều quan trọng là các dự án sau đó cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục giải ngân. Mỗi nhà thầu, doanh nghiệp, người lao động cần chung tay thực hiện nhanh nhất, tốt nhất, chất lượng nhất công việc trên công trường, không kể ngày đêm để hoàn thành khối lượng công việc đã ký kết. Với tinh thần “quyết chiến quyết thắng” cùng với phong trào thi đua của ngành GTVT, các BQLDA, chủ đầu tư sớm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và từng bước hiện thực hóa đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng.