Tăng tốc trên các công trình trọng điểm
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.
Tỷ lệ giải ngân cao
Tăng tốc hoàn thành các công trình, dự án (DA) trọng điểm, nhất là các DA phát triển hệ thống giao thông đảm bảo liên kết vùng đang được Thừa Thiên Huế đẩy nhanh trong những tháng cuối năm để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trên các công trình trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương..., các đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ bất chấp những ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, với mục tiêu thông xe kỹ thuật vào quý IV/2024.
Các hạng mục kè sông Như Ý, kè tại khu C Khu đô thị An Vân Dương và hạng mục thoát nước, lề đường Phạm Văn Đồng thuộc DA Cải thiện môi trường nước...
Theo quan sát, DA cầu vượt sông Hương đã cơ bản hoàn thành các hạng mục mố trụ, vòm. Đơn vị thi công đang tiến hành thi công các nhịp biên, cầu đi bộ, gờ chắn lan can và các lớp mặt cầu, khe co giãn… Ngoài đẩy nhanh tiến độ thi công, UBND TP. Huế cũng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất một số hộ dân thuộc DA để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Trong tổng số vốn 6.957 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh đã giải ngân được 4.151 tỷ đồng, tương ứng với 59,7% kế hoạch. Tỷ lệ này đang cao hơn mức trung bình cả nước (47,29%) và đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố. Thừa Thiên Huế cũng thuộc nhóm các địa phương được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Đáng chú ý, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước đã giải ngân 1.306 tỷ đồng/2.041 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương nước ngoài (ODA) giải ngân 421 tỷ đồng/575 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.
Ngoài ra, từ tháng 1 đến tháng 10/2024, tỉnh đã giao bổ sung 1.582 tỷ đồng vốn đầu tư công. Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 8.540 tỷ đồng, giải ngân đến thời điểm báo cáo là 4.821 tỷ đồng, đạt 56,4% kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2024, Thừa Thiên Huế sẽ giải ngân đạt khoảng 96% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.
Thúc đẩy tiến độ các DA trọng điểm
Dù có những chuyển biến trong đầu tư công, song theo nhận định từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn chưa như kỳ vọng. Nhiều nguyên nhân “cố hữu” cũng được Sở chỉ ra, như tiến độ đền bù, hỗ trợ tái định cư, thời gian bàn giao mặt bằng chậm... Công tác lập quy hoạch phân khu cũng còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư của nhiều DA, đặc biệt là các DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật có yêu cầu phải lập quy hoạch tổng mặt bằng.
Các nguyên nhân liên quan đến sự sẵn sàng, năng lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, ban quản lý dự án cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung. Ngoài ra, tiến độ thu tiền sử dụng đất năm 2024 không đạt theo dự toán được giao đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các DA.
Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ này. Các chủ đầu tư, cơ quan quản lý bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng DA đã đăng ký bảo đảm tiến độ, khối lượng cam kết. Với các DA triển khai chậm, tỉnh và các ban ngành sẽ rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn để bổ sung vốn cho các DA có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các DA trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với 8 cơ quan, đơn vị có mức giải ngân thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên,... đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các DA trọng điểm, các DA thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các DA chống sạt lở bờ biển, kè sông từ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023.
Trong những tháng còn lại của năm, tỉnh tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các DA: Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; tuyến đường kết nối từ khu B - An Vân Dương về trung tâm thị trấn Phú Đa; các DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế; Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2); các DA chỉnh trang đô thị, dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp;... Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các DA dự kiến khởi công mới cuối năm 2024 và đầu năm 2025, như: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đường Vành đai 3; tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh,…
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ phối hợp Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành hồ sơ, thủ tục, sớm khởi công DA đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cam Lộ - La Sơn. Rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các DA có tính kết nối, lan tỏa cao, tạo động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội liên vùng.