Tăng trưởng 42%, lợi nhuận của Minh Phú vẫn thua xa mục tiêu
Dù hoạt động kinh doanh có sự cải thiện trong quý IV nhưng nguyên nhân chính giúp 'ông lớn' ngành tôm đạt được tăng trưởng lợi nhuận lại đến từ sự co kéo và tiết giảm các khoản chi phí.
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí, lợi nhuận vẫn thua xa kỳ vọng
Nằm trong nhóm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính muộn, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa báo lãi trước thuế gần 706 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2019 bất chấp quy mô doanh thu thu hẹp.
Trong quý IV/2020, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh lần đầu trở lại mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ sau bốn quý liên tiếp suy giảm. Minh Phú thu về 4.365 tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý IV/2019. Nhưng tính trong cả năm, doanh thu vẫn giảm tới 15,67%.
Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh năm 2020 là sự cải thiện của biên lợi nhuân gộp từ mức 9,91% năm 2019 lên 10,3% trong năm nay. Công ty đẩy mạnh việc nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao 2 vùng nuôi Minh Phú Lộc An và Minh Phủ - Kiên Giang, nhờ đó tự chủ được nguồn tôm nguyên liệu và giải quyết được sự thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu các tháng cuối năm. Một mặt đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến của Minh Phú, một mặt kéo giá thành sản xuất thấp.
Cùng đó, chi phí lãi vay và bán hàng giảm lần lượt 52% và 22% đã giúp Minh Phú tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Ông Lê Văn Điệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho biết việc quản lý tốt dòng tiền là nguyên nhân chính giúp chi phí tài chính giảm mạnh dù số dư nợ vay của công ty với các ngân hàng tăng gần 40% so với thời điểm cách đây một năm.
Với kết quả đạt được, Minh Phú hoàn thành 94,% kế hoạch doanh thu và mới chỉ 71% kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà doanh nghiệp này đề ra đầu năm. Ban đầu, Minh Phú còn đề ra kế hoạch tham vọng hơn với lợi nhuận lên tới 1.368 tỷ đồng, sau đó đã điều chỉnh lại trước cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Từ năm 2019, Minh Phú đã gặp nhiều khó khăn khi doanh thu xuất khẩu giảm mạnh cùng tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu. Dù doanh nghiệp này đã hồi phục mạnh từ mức nền thấp năm trước, lợi nhuận vẫn chưa quay lại được như các năm trước đây.
Kỳ vọng sự phục hồi từ động thái mới của Mỹ
Giữa tháng 10/2020, Cơ quan điều tra EAPA của Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) đã yêu cầu áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ với Minh Phú, dựa trên nhận định rằng, hệ thống truy xuất của Minh Phú còn có một số lỗi nhỏ, Minh Phú chưa hợp tác đầy đủ vì chưa cung cấp được hồ sơ truy xuất chi tiết của từng loại nguyên liệu tôm tới từng chuyến hàng xuất khẩu với thông tin và tài liệu như Cơ quan này yêu cầu.
Phía Minh Phú sau đó đã khiếu nại và yêu cầu xem xét lại kết luận nói trên. Theo lãnh đạo của Minh Phú, kết luận này đã bỏ qua bằng chứng quan trọng nhất là Minh Phú đã có hệ thống truy xuất riêng hiệu quả và không sử dụng tôm nguyên liệu Ấn Độ cho hàng xuất vào Mỹ.
Quyết định giải quyết khiếu nại từ CBP hôm 11/2 (mùng 1 Tết) đã hủy bỏ quyết định trên, nhờ đó Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác.
Mỹ cũng là thị trường lớn nhất của Minh Phú, chiếm tỷ trọng 38% trên tổng doanh thu năm 2019. Thông tin tích cực này đã ngay lập tức tác động vào giá cổ phiếu MPC đang giao dịch trên sàn UPCoM ngay trong các phiên giao dịch đầu xuân Tân Sửu. Đến ngày 22/2, cổ phiếu này đóng cửa ở mức 35.500 đồng/cổ phiếu, tăng 27% chỉ sau 4 phiên giao dịch.
So với mức thu nhập ròng mỗi cổ phiếu đạt 2.984 đồng, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) xấp xỉ 11,89 lần, hấp dẫn hơn mức P/E trung bình toàn thị trường.