Tăng trưởng GDP có dấu hiệu 'giảm tốc'
GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022, tuy vậy nếu xét theo từng quý, GDP quý IV chỉ tăng trưởng 5,92%, thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 – 2019. Đáng chú ý là tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu mất đơn hàng, cắt giảm lao động đang diễn ra trầm trọng hơn… Những khó khăn này thách thức mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Kết thúc năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu thể hiện sự khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường… Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%.
Xuất khẩu giảm mạnh vì ‘đói’ đơn hàng
Đáng lo ngại, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, chỉ ra dấu hiệu tăng trưởng GDP đang giảm tốc ở quý IV. Theo đó, bước sang quý IV/2022, lĩnh vực công nghiệp suy giảm tăng trưởng nhanh, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo khi cầu thế giới suy giảm đã ảnh hưởng tới đơn hàng.
Nguyên nhân tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý IV là nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm. Trong nước, lãi suất tăng mạnh, nhất là lãi suất huy động khiến tiêu dùng cuối cùng suy giảm và sản xuất khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp.
“Thế giới đang trong thời kỳ biến động thay đổi địa chính trị và điều này sẽ tác động tới Việt Nam, khó khăn dự kiến ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế quý I/2023, cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong cả năm 2023", ông Hiếu đánh giá.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 12, các định chế tài chính cập nhật báo cáo triển vọng kinh tế, trong đó đều có đánh giá tăng trưởng năm 2023 chậm lại, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,2% (trước đó dự báo 6,7%); ADB dự báo tăng trưởng đạt 6,3%, WB dự báo tăng trưởng 6,7%... Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Quốc hội đặt ra cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 6,5%.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2022 so với quý III/2022 tương đối ảm đạm với 66,3% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định, 33,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất sẽ khó khăn hơn. Dự báo quý I/2023, tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn quý IV/2022 với 66,8% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định, 31,2% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Chỉ rõ những khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho hay, số liệu của quý IV/2022 cho thấy một số dấu hiệu suy giảm của tăng trưởng xuất khẩu, đó là quý I tăng 13,4%, quý II tăng 21,5%, quý III tăng 17% nhưng quý IV giảm 6,1% - trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 14,8%.
Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng tốt nhưng trong quý IV sụt giảm như điện thoại giảm 14%, máy tính và linh kiện giảm 5,3%, máy móc thiết bị dụng cụ giảm 4,6%, dệt may giảm 8,9%... 4 nhóm này chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Lành mạnh thị trường tài chính
Ông Phong lưu ý, trong kỳ thống kê 9 tháng 2022, xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản được đánh giá là điểm sáng nhưng trong quý IV có sự sụt giảm.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn. Khó khăn và nhiều thách thức, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng; thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý, thiên tai, dịch bệnh bão lũ, biến đổi khí hậu... là các vấn đề cần hết sức lưu ý.
Như vậy, có thể thấy bối cảnh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2023 và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, nhưng đây cũng sẽ là mục tiêu đầy thách thức.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, ông Lê Trung Hiếu khuyến nghị cơ quan chức năng cần theo dõi sát tình hình thế giới, diễn biến của chính sách tài khóa - tiền tệ của các đối tác thương mại - đầu tư lớn với Việt Nam, từ đó điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ trong nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế 2023…
Đáng chú ý, ông Hiếu đặc biệt lưu ý tới việc lành mạnh thị trường tài chính, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như sớm giải quyết các vụ việc liên quan tới bất động sản ở các vụ án của Tân Hoàng Minh, FLC…
“Năm 2023, cần giải quyết trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn rất lớn, có cơ chế chính sách hỗ trợ chia sẻ để doanh nghiệp xử lý lĩnh vực này, đồng thời kinh tế vĩ mô đảm bảo cân đối lớn như lạm phát, tỷ giá, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, cân bằng giữa vốn đầu tư Nhà nước, tư nhân", đại diện Tổng cục Thống kê khuyến nghị.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tang-truong-gdp-co-dau-hieu-giam-toc-1090265.html