Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,3% trong quý II, thấp hơn kỳ vọng
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong quý II làm gióng lên nhiều hồi chuông cảnh báo về sự phục hồi.
Hôm thứ Hai (17/7), dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố cho thấy, GDP quý II của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo trung bình là 7,1% của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát, trong khi các nhà phân tích được Reuters thăm dò đã dự đoán mức tăng 7,3% trong GDP quý II.
Người phát ngôn NBS Fu Linghui lưu ý rằng, Trung Quốc phải đối mặt với một môi trường địa chính trị và kinh tế quốc tế phức tạp. Ông cũng cho biết, Trung Quốc vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm (khoảng 5%).
Nhu cầu của người tiêu dùng mờ nhạt, nên lạm phát gần như đứng yên trong tháng 6. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, họ dự kiến lạm phát sẽ giảm trong tháng 7, nhưng sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 3,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 12,7% trong tháng 5. Dữ liệu cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp đã tăng 4,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, tăng từ mức tăng 3,5% trong tháng 5.
Trung Quốc tuần trước cho biết, họ sẽ mở rộng các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản. Các nhà chức trách cũng đã công bố hỗ trợ rộng rãi cho xuất khẩu. Quốc gia này cũng đã gia hạn giảm thuế đối với việc mua ô tô điện, một ngành công nghiệp đang phát triển mà chính phủ rất muốn hỗ trợ.
Nhưng Trung Quốc đã cho thấy sự miễn cưỡng trong việc bắt tay vào các biện pháp kích thích lớn hơn, đặc biệt là khi nợ của chính quyền địa phương tăng vọt.
NBS cho biết trong một tuyên bố rằng, trong khi nền kinh tế phục hồi, tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu rất phức tạp, nền tảng phục hồi và phát triển của nền kinh tế trong nước vẫn chưa vững chắc.
Lãi suất Mỹ tăng cao và mức nợ cao trong nền kinh tế Trung Quốc đã hạn chế phạm vi của ngân hàng trung ương trong việc thực hiện các biện pháp nới lỏng mạnh mẽ. Một số nhà kinh tế cũng cho rằng niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng yếu kém đã làm giảm hiệu quả của kích thích tiền tệ, đồng thời kêu gọi chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.