Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam với các kịch bản từ 5,2 đến 6,7%
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay với mức thấp nhất là 5,2% và cao nhất 6,7%.
Theo đó với kịch bản cơ sở trong năm nay, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 5,7%. Với kịch bản khả quan, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc không bị gián đoạn khi nước này thực hiện chính sách Zero COVID, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,2%.
Kịch bản xấu nhất trong trường hợp chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn do chính sách Zero COVID của Trung Quốc, nền kinh tế chỉ đạt tăng trưởng 5,2% trong năm nay.
Những kịch bản này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đưa ra trong hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức ngày 20/5/2022 tại Hà Nội.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng đưa ra 6 khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn.
Thứ nhất, xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là “ổn định kinh tế vĩ mô”, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả về chính trị, xã hội để từ đó phục hồi nền kinh tế.
Thứ hai, trong ngắn hạn, các chính sách cần đảm bảo linh hoạt để có thể giúp nền kinh tế phản ứng nhanh trước những biến động nhanh chóng của nền kinh tế thế giới. Các chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Thứ ba, song song với việc đẩy mạnh chi tiêu, cần tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả đầu tư công, nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách.
Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước.
“Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác”- báo cáo khuyến nghị.
Thứ năm, chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế, tiếp tục cân bằng giữa lạm phát và rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.
Thứ sáu, trước nguy cơ dòng tiền trong nền kinh tế có thể chưa đi vào sản xuất mà chảy vào các thị trường tài sản, để dòng vốn thật có thể quay lại vào đầu tư sản xuất - kinh doanh thì thứ nhất, việc nhất quán chính sách bình thường mới, mở cửa và sống chung với Covid – 19 vẫn là điều kiện quan trọng nhất.
Báo cáo cũng lưu ý, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ.
“Sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng”- báo cáo lưu ý thêm.
Là báo cáo mang tính thường niên, báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách năm nay chọn chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ".
Theo đó, các chuyên gia ghi nhận, chuyển đổi số không chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời trong đại dịch mà còn tiếp tục trở thành một phần của các doanh nghiệp trong thời kỳ bình thường mới.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, 2 năm vừa qua, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam vẫn tăng trưởng lần lượt ở mức 18% và 16%. Bên cạnh đó, lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho thấy mức độ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, doanh số thanh toán chi tiêu trên sàn thương mại điện tử từ thẻ nội địa tăng 81%.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước năm 2021, đã có tới 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng hiện nay có hơn 90% hoạt động giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Sự hiện diện của các công ty Fintech cũng thúc đẩy thị trường tài chính ngân hàng trong công cuộc số hóa.
Trong lĩnh vực logistics, những năm gần đây, ước tính ngành logistics tăng trưởng trung bình14-16%, tức khoảng 40 - 42 tỷ USD mỗi năm.
Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2021 của Bộ Công Thương, hiện có 75% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý giao nhận; 63,89% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý đơn hàng và kho hàng; 61,11% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý vận tải.
Tuy nhiên, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, hiện vẫn còn những thách thức trong chuyển đổi số của ngành dịch vụ tại Việt Nam. Đơn cử như sự sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp còn ở mức thấp, doanh nghiệp gặp phải những rào cản như chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ....
Về giải pháp khắc phục, theo VEPR, về mặt hạ tầng, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Chính phủ cần thúc đẩy quá trình này thông qua việc hợp tác giữ doanh nghiệp nhà nước với khu vực tư, tránh tình trạng độc quyền dễ xảy ra trong nền kinh tế số do yêu cầu về chi phí cố định lớn và hiệu ứng quần tụ mạng lưới.
Quang Lộc