Tăng trưởng hạ tầng Internet bị đe dọa vì thế giới thiếu cáp quang
Tình trạng thiếu hụt cáp quang trên khắp thế giới đã làm giá bán tăng và kéo dài thời gian giao hàng, ảnh hưởng đến các kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, bao gồm mạng siêu tốc 5G.
Giá sợi cáp quang đã tăng 70% so với mức thấp kỷ lục hồi tháng 3-2021. Ảnh: Communications Today
Châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng thiếu cáp quang, với giá sợi quang tăng tới 70% so với mức thấp kỷ lục vào tháng 3 -2021, từ 3,7 đô la lên 6,3 đô la cho mỗi km sợi, theo Công ty nghiên cứu thị trường Cru Group.
Thông thường, cáp quang ngày nay có hàng ngàn sợi quang được bó bên trong. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một số tập đoàn công nghệ và viễn thông lớn nhất cắt giảm vốn đầu tư nhưng nhu cầu đối với các dịch vụ dữ liệu và Internet vẫn tăng trưởng dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung sợi quang, một vật liệu quan trọng nhưng thường ít được chú ý.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng, các tập đoàn công nghệ như Amazon, Google, Microsoft và Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook) đã mở rộng đế chế trung tâm dữ liệu, bao gồm việc đặt các mạng cáp quang quốc tế rộng lớn dưới lòng đại dương. Trong khi đó, các chính phủ đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho việc triển khai băng thông rộng siêu nhanh và 5G, cả hai đều yêu cầu số lượng lớn cáp quang chạy dưới lòng đất.
Michael Finch, nhà phân tích của Cru Group, cho biết do chi phí triển khai cáp quang đột ngột tăng gấp đôi nên hiện có nhiều câu hỏi xung quanh việc liệu các quốc gia có thể đạt được các mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng Internet hay không và liệu điều này có thể ảnh hưởng đến kết nối toàn cầu hay không?
Theo ước tính của Cru Group, tổng lượng cáp quang tiêu thụ trên toàn cầu tăng 8,1% trong nửa đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái. Trung Quốc chiếm 46% tổng số cáp quang tiêu thụ nhưng Bắc Mỹ là khu vực chứng kiến mức tăng trưởng tiêu thụ cáp quang nhanh nhất, ở mức 15% hàng năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt cáp quang là sự tăng giá của một số thành phần quan trọng sử dụng trong công nghệ cáp quang.
Chẳng hạn, tình trạng thiếu hụt khí hiếm heli, một thành phần quan trọng để sản xuất sợi quang thủy tinh, một phần là do các nhà máy sản xuất khí này ở Nga và Mỹ ngừng hoạt động, khiến giá của nó tăng 135% trong hai năm qua. Trong khi đó, giá silicon tetrachloride, một thành phần quan trọng khác trong sản xuất sợi quang, tăng tới 50%, theo Cru Group.
“Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như cuộc khủng hoảng lạm phát này”, Wendell Weeks, Giám đốc điều hành Corning (Mỹ), nhà sản xuất cáp quang lớn nhất thế giới nói.
Weeks nói thêm, công ty ông tăng cường sản xuất và xây dựng nhà máy mới ở Mỹ và châu Âu để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ các chính phủ, các tập đoàn viễn thông và công nghệ lớn. Corning là công ty đã phát minh sợi quang ít tốn chi phí nhất vào thập niên 1970, giúp mở ra kỷ nguyên viễn thông dựa vào cáp quang.
Theo Cru, giá sợi quang hiện đạt mức cao nhất kể từ tháng 7-2019 nhưng khu vực Bắc Mỹ ít bị ảnh hưởng hơn so với châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.
Weeks cho biết ở Mỹ, giá sợi quang chỉ tăng 2% vào năm 2022 nhưng trước đó giảm đều qua mỗi năm kể từ năm 2012. “Nguồn cung sợi quang sẽ tiếp tục căng thẳng trong một thời gian nhưng chúng ta sẽ vượt qua cơn khủng hoảng này”, ông nói.
Martijn Blanken, Giám đốc điều hành Exa Infrastructure, một công ty cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc tế, cho biết giá sợi quang đã tăng ít nhất 20% trong sáu tháng qua.
Ông nói: “Chúng tôi thêm các điều khoản trong hợp đồng với khách hàng để chúng tôi không chịu chi phí cho những đợt tăng giá này”.
Nguồn cung thắt chặt cũng làm gia tăng đáng kể thời gian giao hàng đối với một số sản phẩm sợi quang, kéo dài từ 20 tuần đến gần một năm đối với nhiều khách hàng nhỏ.
Ankit Agarwal, Giám đốc điều hành STL, một trong những nhà cung cấp sợi quang lớn nhất ở Anh, cho biết: “Tất cả chúng tôi đang ưu tiên giao hàng nhanh nhất cho những khách hàng lớn”.
Theo Financial Times
Lê Linh