Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Đồng Nai thấp nhất Đông Nam Bộ
Kết thúc năm 2023, tỉnh Đồng Nai trải qua nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, giảm tốc độ tăng trưởng. Với một địa bàn trọng điểm về công nghiệp, có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Đồng Nai cần nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề để lấy lại 'phong độ'.
Tăng trường GRDP thấp nhất Đông Nam Bộ
Năm 2023, có 8/31 chỉ tiêu chưa đạt nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai về kinh tế - xã hội. Trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP, GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tổng thu ngân sách.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai - Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, động lực tăng trưởng đang sụt giảm, GRDP của tỉnh chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu nghị quyết là từ 7,5% đến 8,5%. Đây là năm có sự sụt giảm đáng kể về tốc độ tăng trưởng GRDP.
Theo ông Nguyên: "Năm 2023 tụt hậu tốc độ tăng trưởng rõ nét nhất và đây là năm Đồng Nai thấp nhất so với các tỉnh trong vùng. Điều đó chứng tỏ động lực tăng trưởng của tỉnh đang mất dần".
Kinh tế sụt giảm ảnh hưởng đến mục tiêu thu nhập bình quân tính theo đầu người, chỉ đạt 139,75 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với mục tiêu của tỉnh đề ra là 145-150 triệu đồng/người/năm.
Năm 2023, thu ngân sách của tỉnh ước tính chỉ đạt 58.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tính đến hết ngày 30/11, Đồng Nai chỉ giải ngân được 37% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 60,1% và đứng thứ 54/63 tỉnh, thành.
Cá thể hóa trách nhiệm của cán bộ
Ông Thái Bảo - Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề, vì sao Đồng Nai có nhiều điều kiện tương đồng với các tỉnh lân cận, chính sách, pháp luật như nhau nhưng tốc độ tăng trưởng lại sụt giảm? Theo ông Thái Bảo, nguyên nhân chính ở đây là công tác cán bộ, bởi kết quả công việc có đạt hay không phần lớn là do cán bộ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính ở Đồng Nai chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng cũng là nguyên nhân sụt giảm tăng trưởng và không phát huy được những lợi thế cạnh tranh. Nhiều hồ sơ chậm trễ trong xử lý và tình trạng trễ hẹn kéo dài. Nhiều nội dung địa phương đề xuất lên còn bị ách tắc, chậm xử lý, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh.
Bí thư Thành ủy TP Biên Hòa Hồ Văn Nam cho biết, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, làm sao để việc khó không “rơi” vào cơ quan mình, dẫn tới không tìm được hướng giải quyết cụ thể. Ông Nam đề nghị có giải pháp ràng buộc trách nhiệm, nhất là người đứng đầu.
"Đề nghị Ban Chấp hành xác định cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, ví dụ năm nay không hoàn thành thì không hoàn thành nhiệm vụ. Bước tiếp theo phải làm công tác nhân sự về trách nhiệm cá nhân của các đồng chí này thì mới chuyển biến được, từ thủ trưởng tới cán bộ được giao nhiệm vụ" - ông Nam bày tỏ.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, mỗi cán bộ, mỗi ngày phải cố gắng, thúc đẩy công việc vì mỗi khâu chậm một chút sẽ mất cơ hội. Sắp tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiến hành giám sát một số việc, vì sao chậm, cá thể hóa trách nhiệm của sở, ngành và cá nhân để tìm rõ nguyên nhân.
Theo ông Lĩnh, một số đơn vị, địa phương thời gian qua cùng lúc vừa phải xử lý những việc cũ, vừa phải thực hiện những việc mới nên khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên không ít lãnh đạo, địa phương chưa quyết liệt, còn “thả nổi” việc này, việc kia.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh này cho rằng, thời gian tới, Đồng Nai cần nắm bắt cơ hội để thu hút đầu tư công nghệ cao.
Ông Lĩnh nhấn mạnh: "Chúng ta thu hút đầu tư có chọn lọc, biết chắt lọc hơn nên vốn vào tỉnh không ồ ạt như xưa. Thu hút đầu tư là mấu chốt của vấn đề, trong đó vừa thu hút đầu tư mới, vừa chấn chỉnh lại những dự án đã cấp phép mà chậm đầu tư".
Năm 2024, Đồng Nai bước vào giai đoạn gấp rút triển khai đối với một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Đây cũng là năm tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong thu hút đầu tư FDI, cải thiện sản xuất công nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.