Tăng trưởng kinh tế sẽ đi ngang trong quý IV
VEPR dự báo tăng trưởng quý IV sẽ đi ngang ở mức 7,4%, cả năm sẽ đạt mục tiêu 7%. Nhưng ở kịch bản thấp, ở kịch bản thấp quý IV sẽ không đạt 7%, và cả năm GDP dao động quanh mức 6,84%.
Kinh tế khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn đang cầm cự
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2024. Báo cáo này mang tựa đề Phục hồi tăng trưởng và thách thức.
Báo cáo này chỉ ra: Nền kinh tế đã tăng trưởng 6,82% trong 9 tháng đầu 2024, cao 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái. Thương mại và dịch vụ vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.
Phân tích kỹ về tăng trưởng kinh tế ở cả phía cung và phía cầu, VEPR chỉ ra, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế với những con số ấn tượng. Vốn đầu tư tăng trưởng khả quan. Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi đóng góp tích cực vào tăng trưởng của thương mại nội địa. Ngân sách bội thu.
Ở phía tổng cung, sản xuất công nghiệp và dịch vụ liên quan tới xuất khẩu tiếp tục phục hồi. Doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng. Cung tiên đang dần phục hòi, Thị trường bất động sản cũng đang có dấu hiệu phục hồi. T
“Số liệu thống kê doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường cho thấy sự trỗi dậy của khu vực tư nhân sau năm 2021 suy thoái vì dịch bệnh Covid-19”, TS.Nguyễn Quốc Viện – Phó Viện trưởng VEPR đã lưu ý điều này khi trình bày về báo cáo.
Nhìn vào số liệu thống kê, VEPR nhận xét: số doanh nghiệp gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường trung bình mỗi tháng từ năm 2022 đã vươn lên mạnh mẽ hơn các năm trước và tiếp tục tăng thể hiện sự an tâm hơn của khu vực tư nhân khi đối với môi trường kinh doanh dần ổn định hơn.
Đặc biệt, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quy trở lại thị trường, cao hơn con số cả năm của giai đoạn 2018 2021.
Bình quân mỗi tháng, số doanh nghiệp này là trên 20,3 nghìn, vượt bậc so với các năm trước đó.
“Tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường khởi sắc cho thấy tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi trong nền kinh tế”, VEPR nhận định.
Tuy nhiên theo VEPR, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sự phục hồi thị trường bất động sản chưa rõ nét.
Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 3 Quý đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.
“Xu hướng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ngày càng tăng cao, cho thấy sự cầm cự của các doanh nghiệp, họ lựa chọn đứng ngoài thị trường để xem xét tình hình, chờ đợi thời cơ và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh thích hợp”, theo TS.Việt.
Cân bằng các động lực tăng trưởng đang cấp thiết
Báo cáo VEPR cũng đã chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế phải đối diện.
Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng nhanh trong thời gian qua đã phản ánh các thách thức chung mà các doanh nghiệp phải đối mặt, trong môi trường kinh doanh sau Đại dich Covid-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới bất ổn, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các khó khăn này đã gây áp lực quá lớn cho doanh nghiệp, khiến họ trở nên nhạy cảm hơn trước các biến động và dần suy giảm khả năng tự cường và phục hồi.
Sự phân mảnh địa chính trị ngày càng rõ nét, cùng với việc các xung đột liên quan đến Nga, Mỹ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông leo thang, đang trở thành rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Những bất ổn này gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm, và kéo dài thời gian cung ứng, dẫn đến giá thành hàng hóa leo thang và lạm phát nhập khẩu gia tăng.
Ước tính đến cuối năm 2024, lạm phát nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 1.5%. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu như Việt Nam, khi lạm phát không chỉ gia tăng mà còn làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, sự kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đã cản trở nỗ lực của quốc gia trong việc trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng khoảng cách giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa, khiến nhiều người quan ngại gần đây là hai nền kinh tế song song tồn tại.
Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.
Đồng thời, ảnh hưởng của cơn siêu bão Yagi sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới nền kinh tế trong quý IV.
“Những thách thức này đòi hỏi sự điều hành chính sách linh hoạt và hiệu quả để duy trì đà phục hồi kinh tế của đất nước”,TS.Nguyễn Quốc Việt lưu ý. Ông nhấn mạnh: “việc cân bằng giữa các động lực tăng trưởng, nhất là giữa động lực xuất khẩu và tăng trưởng của thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững lại được đặt ra một cách cấp thiết trong bối cảnh đó”.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (cả về quy định pháp lý và thực thi), trong đó có những vướng mắc, bất cập về cả về chính sách, pháp luật và thủ tục thực thi để khẩn trương sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đồng thời hướng dẫn và giám sát hoạt động thực thi.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý.
Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục.
VEPR đưa ra 02 kịch bản cao và thấp: với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ Quý IV sẽ đi ngang với mức 7.4%; kịch bản thấp, tăng trưởng Quý IV sẽ dưới mức 7%. Như vậy, với kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng Quý IV dưới mức 7%, kết hợp với độ lệch dự báo tăng trưởng của các tổ chức quốc tế, VEPR dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức từ 6.84%. Với kịch bản cao, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt 7%.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-truong-kinh-te-se-di-ngang-trong-quy-iv-post317101.html