Tăng trưởng kinh tế TP.HCM cần cả giải pháp tình thế và căn cơ
Tại tọa đàm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP.HCM do Báo Người Lao động tổ chức, nhiều giải pháp tình thế và giải pháp vĩ mô, căn cơ đã được các chuyên gia và DN kiến nghị.
Quý I năm nay, GRDP của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, tốc độ tăng trưởng chậm dần. Tháng 4, kinh tế TP có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn nhưng cả quý 2 dự kiến tình hình tiếp tục khó khăn, cần có những giải pháp để kinh tế thành phố phát triển.
Kích cầu thị trường nội địa
Tại buổi tọa đàm, các DN trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, bán lẻ, đều nêu những khó khăn nhất định. Trong đó, chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, thị trường tiền tệ và bất động sản trầm lắng, lao động việc làm ngày càng khó…
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Coop cho biết, quý I vừa qua không có nhà bán lẻ lớn nào tăng trưởng dương. Các DN sản xuất gặp khó ở thị trường xuất khẩu nên quay về phát triển thị trường nội địa và đang phải cạnh tranh gay gắt.
DN và người tiêu dùng đều mong muốn, việc hỗ trợ trực tiếp bằng giảm VAT từ 10% xuống 8% triển khai sớm, để DN có thêm động lực và hướng vào hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Xu hướng và yêu cầu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là phải thực hiện nhưng giai đoạn khó khăn này cần chọn khía cạnh cụ thể để triển khai, không làm dàn trải…
“Hiện nay các DN đang không có sự liên kết chặt chẽ để kích cầu. Kể cả các ngành nghề cũng vậy, du lịch kích cầu riêng, thương mại kích cầu riêng. Nên hội tụ và liên kết lại để tạo nên kích cầu tổng thể, từ đó nền kinh tế mới có sự gia tăng trong thời gian tới”, ông Đức đề xuất.
Giải pháp căn cơ cho phát triển lâu dài
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế TP.HCM có độ mở nên môi trường vĩ mô thuận lợi, thanh phố sẽ phát triển thuận lợi theo và ngược lại. Sự tăng trưởng quá thấp của kinh tế thành phố trong quý I vừa qua do 3 nguyên nhân chính. Đó là, điểm nghẽn tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được như hạ tầng chưa đáp ứng được sự phát triển. Thành phố cũng chưa đánh giá hết tác động chưa khắc phục nổi trong thời gian đóng cửa, đình trệ sản xuất do Covid-19. Cùng với đó, tác động bất ổn của kinh tế vĩ mô và tình hình thế giới từ quý 4 năm ngoái tiếp tục lan sang năm nay.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia nghiên cứu quá trình phát triển của TP.HCM cho rằng, những điểm nghẽn này vẫn đang tồn tại và có những vấn đề thành phố đã tháo gỡ được nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Để kinh tế sớm phục hồi, TP.HCM phải có cả giải pháp tình thế và giải pháp căn cơ.
Trước hết, thành phố cải thiện yếu tố thị trường, mạnh dạn kích cầu nội địa thông qua 2 công cụ nhà nước và doanh nghiệp, giảm VAT 2% cũng như mở rộng cho vay tiêu dùng và DN giảm giá hàng hóa. Còn giải pháp căn cơ là triển khai Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nếu được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 sẽ đẩy mạnh phân cấp phân quyền; giải quyết căn cơ về hạ tầng, nhất là chương trình chỉnh trang đô thị gắn với nhà ở và môi trường.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, nếu giải quyết căn cơ về thể chế và hạ tầng, sức hấp thụ vốn của kinh tế TP.HCM sẽ tăng, kỳ vọng có sự chuyển biến tích cực vào những tháng còn lại của năm 2023. “Những khó khăn có thể còn tiếp tục nhưng thành phố phải gỡ được những vấn đề căn cơ, như vậy sẽ tạo được sức bật trong các năm sau. Nếu chỉ gỡ được những vấn đề tình thế khó khăn sẽ trở lại vào lúc nào đó trong giai đoạn sau”, Tiến sỹ Trần Du Lịch nêu giải pháp./.