Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao nhất trong gần 20 năm

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng dự kiến cao hơn dự báo trước đó 0,2-0,3%.

 Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm của Việt Nam đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm của Việt Nam đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết theo dự báo ban đầu, tăng trưởng GDP quý II nước ta ước đạt 7,67% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng 6 tháng dự kiến đạt 7,31%.

Tuy nhiên, ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2-0,3% so với dự báo.

Bộ trưởng Thắng cũng cho hay tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách Nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý. Cả nước tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

 Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đã thống nhất tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về hiệp định thương mại

Theo Bộ trưởng Thắng, 6 tháng đầu năm, số thu ngân sách, thu hút FDI, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đạt nhiều điểm sáng nổi bật.

Đáng chú ý, ngày 2/7 vừa qua, 2 đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao.

"Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Kết quả cụ thể về tình hình sản xuất kinh doanh, công nghiệp chế biến, chế tạo quý II đã tăng 10,65% so với cùng kỳ, còn 6 tháng tăng 10% - đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt hai con số kể từ năm 2011.

Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 9% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,3%.

Khách du lịch quốc tế 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%. Còn tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ năm 2009. Vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng trên 8%.

Tính chung 6 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng trên 89% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Thắng cũng nhắc đến sự kiện ngày 30/6, khi toàn bộ 34 địa phương đồng loạt tổ chức Lễ công bố các Nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ trưởng cho hay đây là thời khắc đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của bộ máy hành chính Nhà nước, tạo khí thế mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thời gian tới, dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn, đặt ra yêu cầu chủ động, quyết liệt, sát sao hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương.

Theo dõi sát hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất các nhiệm vụ cần tập trung làm ngay trong tháng 7 và quý III.

Trong đó, các công việc cụ thể gồm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9; theo dõi sát hoạt động của chính quyền 2 cấp, hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc Ngân hàng Nhà nước cần điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Trong khi đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan.

Thêm vào đó, theo Bộ trưởng, cần phấn đấu thu NSNN năm 2025 tăng 15% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 16% GDP; tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên các tháng cuối năm để đầu tư xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-cao-nhat-trong-gan-20-nam-post1565799.html