Tăng trưởng mới khi cao tốc từ Hà Nội đi Nghệ An hoàn thành

Cao tốc từ Hà Nội đi Nghệ An với 251 km được hoàn thành tạo ra trục cao tốc xuyên suốt từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho các địa phương có cao tốc đi qua.

Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn sẽ thông xe kỹ thuật vào đúng ngày 2/9, các phương tiện bắt đầu được lưu thông trên tuyến này. Ảnh: BNEWS phát

Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn sẽ thông xe kỹ thuật vào đúng ngày 2/9, các phương tiện bắt đầu được lưu thông trên tuyến này. Ảnh: BNEWS phát

Sáng 31/8, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin về việc đưa vào khai thác tạm thời một số dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn 1), kịp thời phục vụ người dân lưu thông trong cao điểm dịp Lễ Quốc khánh 2/9.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, từ ngày 1/9, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa vào khai thác tạm thời đối với phân đoạn từ nút giao Đông Xuân đến cuối tuyến (dài 9,7km) của dự án đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn dài hơn 93 km thuộc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

Theo các chuyên gia kinh tế, ba dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam được thông xe góp phần tạo trục cao tốc xuyên suốt từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An với tổng chiều dài 251km. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho các địa phương có cao tốc đi qua.

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn tiếp nối cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, khởi đầu tại địa phận xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: BNEWS phát

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn tiếp nối cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, khởi đầu tại địa phận xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: BNEWS phát

Chia sẻ về quá trình hoàn thành các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc đưa các dự án vào phục vụ người dân là nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư, nhà thầu trong bối cảnh thời điểm khởi công đúng vào cao điểm bùng phát đại dịch COVID-19, việc huy động nhân lực, vật liệu, thiết bị triển khai giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn; nguồn cung ứng vật liệu chưa đáp ứng tiến độ thi công ở giai đoạn đầu triển khai; ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu khiến giá nhiên, nguyên, vật liệu biến động lớn, vượt ngoài khả năng dự báo; thời tiết bất thường, mùa mưa đến sớm hơn mọi năm …

Song, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự ra đời kịp thời của Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP cho phép về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, sự vào cuộc đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các khó khăn của dự án từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho nhà thầu bứt tốc thi công.

"Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Chỉ bàn làm, không bàn lùi", lãnh đạo ngành giao thông vận tải, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thường xuyên đến công trường dự án đôn đốc nhà thầu tăng cường "3 ca, 4 kíp", tuyệt đối không lùi thời gian hoàn thành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân lưu thông thuận lợi, an toàn trong dịp cao điểm Quốc khánh 2/9", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ.

Hệ thống chiếu sáng trên cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn cũng đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: BNEWS phát

Hệ thống chiếu sáng trên cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn cũng đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: BNEWS phát

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Sang năm 2024, hai dự án thành phần cuối cùng thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác, gồm: Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Đánh giá về việc đưa thêm các dự án cao tốc vào khai thác dịp này, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đưa vào khai thác 93,2 km cao tốc mới này sẽ giúp rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Nghệ An từ 3 giờ nếu đi Quốc lộ 1 xuống còn 1,5 giờ khi đi cao tốc. Nếu đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chỉ mất 3,5 giờ, thay vì khoảng 5 giờ như hiện nay. Đây thực sự là tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh có dự án đi qua.

Nhà thầu tổ chức vệ sinh công nghiệp mặt đường tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: BNEWS phát

Nhà thầu tổ chức vệ sinh công nghiệp mặt đường tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: BNEWS phát

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, là trục giao thông huyết mạch trong hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam, việc đưa cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu sau hơn 2 năm triển khai vào khai thác cùng với các đoạn tuyến được đưa vào khai thác trước đó sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, Nghệ An cũng như các địa phương lân cận và cả nước nói chung.

Tuyến đường này giúp giao thương giữa các tỉnh thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển; góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1…

Là một địa phương được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông phát triển, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, cùng với cao tốc Cầu Giẽ - Nình Bình kết nối với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi sơn hứa hẹn du khách đến với các khu du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Từ giao thông, du lịch, GRDP của tỉnh cũng hứa hẹn có động lực mới phát triển. Đặc biệt khi Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu được liền mạch sẽ mở ra sự liên kết du lịch giữa các địa phương, đặc biệt là với tỉnh Ninh Bình, Nghệ An cũng có không gian phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại khác.

Nhiều đoạn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đã hoàn thành việc lắp hàng rào bảo vệ. Ảnh: BNEWS phát

Nhiều đoạn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đã hoàn thành việc lắp hàng rào bảo vệ. Ảnh: BNEWS phát

Anh Lê Quốc Đạt, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), lái xe khách tuyến Hà Nội –Thanh Hóa nhận định, với hơn 93 cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu cùng với 63 km đoạn cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 được đưa vào khai thác sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải; trong đó có vận tải hành khách thuận lợi hơn trong kinh doanh với đường thông thoáng hơn và thời gian rút ngắn được nhiều; phương tiện lưu thông cũng êm thuận hơn…

Trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, lưu thông trên trục cao tốc kết nối từ Hà Nội đi Thanh Hóa sẽ giúp chủ doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được tối đa nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đi lại (12-15%) so với lưu thông trên tuyến quốc lộ cũ. Đặc biệt, tuyến cao tốc góp phần giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.

Thực hiện việc lắp biển báo chỉ dẫn tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: BNEWS phát

Thực hiện việc lắp biển báo chỉ dẫn tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: BNEWS phát

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam dự báo, lưu thông trên tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An, các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được 20-30% chi phí gồm: chi phí xăng dầu, khấu hao… Qua đó, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa...

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Khiên nhìn nhận, với việc tiết kiệm về thời gian lưu thông trên cao tốc, các doanh nghiệp vận tải có thể tăng tần suất chạy xe, qua đó, phát huy hiệu quả về năng lực vận tải.

Các nhà thầu đang nỗ lực để hoàn thành các hạng mục cuối cùng cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu. Ảnh: BNEWS phát

Các nhà thầu đang nỗ lực để hoàn thành các hạng mục cuối cùng cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu. Ảnh: BNEWS phát

Đặc biệt, cao tốc đưa vào sử dụng cũng khuyến khích nhiều đơn vị tham gia khai thác, nâng cao yếu tố cạnh tranh, do vậy, càng có thêm điều kiện để giảm giá cước và tăng chất lượng phục vụ hành khách. Cước vận tải giảm xuống góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-truong-moi-khi-cao-toc-tu-ha-noi-di-nghe-an-hoan-thanh/304871.html