Tăng trưởng thương mại điện tử 20-22%: Hoàn toàn khả thi
Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 20-22% cho thương mại điện tử trong năm 2025. Bộ Công Thương sẽ làm gì để hoàn thành mục tiêu?
Không dễ dàng
Những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam có bước phát triển ngoạn mục. Nếu như năm 2014 doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam chỉ đạt 2,97 tỷ USD thì hết năm 2024 đã đạt tới giá trị hơn 25 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
![Mục tiêu tăng trưởng 22% thương mại điện tử trong năm 2025 hoàn toàn khả thi. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_35_51444725/414a7161452fac71f53e.jpg)
Mục tiêu tăng trưởng 22% thương mại điện tử trong năm 2025 hoàn toàn khả thi. Ảnh minh họa
Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông trong và ngoài nước; hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - đánh giá: “Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Nói như thế không có nghĩa phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay quá dễ dàng, mà ngược lại, sự cạnh tranh gay gắt của các sàn thương mại điện tử cũng như nhu cầu, thị hiếu của khách hàng ngày càng thay đổi, nếu doanh nghiệp bán lẻ không nắm bắt, tận dụng cơ hội từ các dịp mua sắm lớn, tối ưu chiến lược sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng để duy trì, phát triển thị phần thì sẽ bị đào thải nhanh chóng trong thời đại kinh doanh số.
Minh chứng rõ nét qua báo cáo Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 do Metric mới công bố, năm qua có khoảng 165.000 shop đã phải rời bỏ thương mại điện tử. Nguyên nhân là do nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ hoặc hoạt động không hiệu quả đã phải nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn.
Bà Cao Mỹ Hạnh - Quản lý Thương hiệu và Quan hệ công chúng, Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo – cho biết, tháng 12/2024, Sapo đã thực hiện khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm 2024. Kết quả, thương mại điện tử vẫn giữ vững "ngôi vương" nhưng tốc độ tăng trưởng của các hình thức bán hàng trực tuyến trong năm 2024 chưa đạt được như kỳ vọng. Cạnh tranh gay gắt đến từ các sàn thương mại điện tử quốc tế gia nhập vào thị trường (Temu, Shein) hay thông quan trực tiếp về Việt Nam (Taobao Alibaba) đã khiến áp lực với nhóm bán thương mại điện tử càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Mặt khác, các phí nền tảng kinh doanh trên sàn đã tăng hơn so với các năm trước, đi kèm với đó là thuế được quản lý chặt chẽ hơn, nhà bán hàng đối mặt với thách thức trong việc tối ưu chi phí vận hành để đảm bảo được lợi nhuận.
Nhưng hoàn toàn khả thi
Dù thách thức không nhỏ song nhiều doanh nghiệp tin tưởng thương mại điện tử Việt Nam hoàn toàn đạt được mục tiêu, nhưng cần phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong hệ sinh thái như doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ marketing, lưu trữ hạ tầng... và cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đạo tạo thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thức mới cho doanh nghiệp; tổ chức chương trình liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn), nhằm kết nối, tạo nền tảng hỗ trợ cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ…
Chia sẻ về vấn đề liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết, việc tổ chức các hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử đã giải quyết được thực tế cũng nằm trong mục tiêu của chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia, đó là hướng đến thương mại điện tử phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng miền và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại các vùng.
“Năm 2025, chúng tôi tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách vùng miền trong phát triển thương mại điện tử, cũng như đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại các địa phương, thúc đẩy kết nối thương mại điện tử nội vùng và ngoại vùng thông qua kết nối các cơ quan quản lý nhà nước để có thể nâng cao năng lực thực thi chính sách pháp luật trong thương mại điện tử. Ví dụ như công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử, quản lý thuế, phối hợp với các công ty vận hành dịch vụ thương mại điện tử giải quyết bài toán giảm chi phí vận chuyển cũng như thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, đặc biệt thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng Việt qua thương mại điện tử…”, bà Huyền nói.
Năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức, triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên môi trường mạng; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối giao thương thông qua thương mại điện tử và khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới như một công cụ xuất khẩu hữu ích.