Tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm lại, thuận đường cho Fed tạm dừng hạ lãi suất

Tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 1 chậm lại nhiều hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp 4,0% sẽ giúp Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) có lý do để trì hoãn cắt giảm lãi suất ít nhất cho đến tháng 6.

Nhân viên làm việc tại một cửa hàng bán lẻ Target ở thành phố Chicago, Mỹ. Ảnh: AFP

Nhân viên làm việc tại một cửa hàng bán lẻ Target ở thành phố Chicago, Mỹ. Ảnh: AFP

"Báo cáo sáng nay (sáng ngày 7/2 - BTV) có thể được coi là báo cáo Goldilocks, không quá nóng và không quá lạnh", ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial cho biết. "Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4% được coi là rất thấp, tạo cơ sở để Fed giữ nguyên lãi suất liên bang trong thời gian tới".

Cơ quan Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 7/2 rằng, bảng lương phi nông nghiệp - bức tranh khái quát thị trường việc làm Mỹ - đã tăng 143.000 việc làm vào tháng 1 sau khi tăng 307.000 việc làm sau điều chỉnh vào tháng 12/2024.

Cơ quan Thống kê Lao động cho biết các vụ cháy rừng ở phía Nam bang California và nhiệt độ lạnh giá ở nhiều vùng rộng lớn của nước Mỹ trong tháng 1 "không có tác động rõ rệt" đến bảng lương phi nông nghiệp.

Nhưng cuộc khảo sát hộ gia đình cho thấy 573.000 người đã không đến nơi làm việc vì điều kiện thời tiết, mức cao nhất trong bất kỳ tháng 1 nào kể từ năm 2011.

Ngành chăm sóc sức khỏe tiếp tục thống trị mức tăng trưởng việc làm, với 44.000 việc làm tăng thêm tại các bệnh viện, cơ sở điều dưỡng và chăm sóc tại nhà cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Trong khi đó, ngành bán lẻ của Mỹ ghi nhận mức tăng 34.000 việc làm, chủ yếu là tại các nhà bán lẻ hàng hóa tổng hợp.

Bảng lương trợ cấp xã hội tăng 22.000 việc làm. Việc làm trong khu vực chính phủ tiếp tục tăng, với 32.000 việc làm được bổ sung. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng việc làm ở khu vực này có khả năng chậm lại đáng kể trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump có động thái cắt giảm việc làm của chính quyền liên bang. Việc làm trong khu vực chính phủ, bao gồm cả chính quyền bang và địa phương, là một yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng việc làm Mỹ.

Trong khi đó, việc làm ở một loạt các ngành từ xây dựng, sản xuất, thương mại bán buôn, vận tải và kho bãi, thông tin, hoạt động tài chính, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, đến ngành giải trí và khách sạn, hầu như không biến động.

Sau thông tin việc làm tăng trưởng chậm lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên trong khi cổ phiếu mở cửa gần như đi ngang. Đồng đô la Mỹ cũng mạnh lên so với các đồng tiền mạnh khác.

Nhìn chung, thị trường lao động Mỹ vẫn lành mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,0%, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Con số này không thể so sánh trực tiếp với tỷ lệ 4,1% của tháng 12 năm ngoái do các biện pháp kiểm soát dân số mới, mới chỉ áp dụng cho tháng 1.

Thu nhập trung bình theo giờ của người Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 1, sau mức tăng 0,3% vào tháng 12. trong khi đó, tiền lương tháng 1 đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng vào tháng 12.

Khả năng phục hồi của thị trường lao động Mỹ đã tạo cho Fed không gian để tạm dừng cắt giảm lãi suất trong bối cảnh các quan chức Fed lo ngại các chính sách tài khóa, thương mại và nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ gây ra lạm phát.

Tháng trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản trong ngưỡng 4,25 - 4,50%, sau khi đã giảm 100 điểm cơ bản kể từ tháng 9 năm ngoái - thời điểm Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Trước đó, Fed đã nhiều lần tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, với mức tăng tổng cộng 5,25 điểm phần trăm vào năm 2022 và 2023.

Thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 6. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc trục xuất hàng loạt người di cư và thuế quan lan rộng của Mỹ có thể làm giảm nguồn cung lao động trong năm nay và khiến các doanh nghiệp không muốn tăng thêm chi phí do tuyển thêm nhân sự.

Nỗ lực cắt giảm việc làm và chi tiêu của chính quyền Tổng thống Trump cũng được dự đoán sẽ hạn chế tăng trưởng việc làm.

Gần đây, truyền thông Mỹ xuất hiện nhiều thông tin về việc sa thải lao động tại các tổ chức phụ thuộc vào nguồn ngân sách của chính phủ liên bang.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-viec-lam-tai-my-cham-lai-thuan-duong-cho-fed-tam-dung-ha-lai-suat-d244822.html