Tăng tuổi nghỉ hưu: Đã đánh giá hết tác động?
Theo các chuyên gia về lao động, việc tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động và việc làm của giới trẻ
Đánh giá đề xuất tăng tuổi hưu, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nhận định nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH. Đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường lao động, năng suất lao động, do đó cần có lộ trình phù hợp.
Chưa phân định rõ các nhóm ngành nghề
Theo ông Phạm Minh Huân, đề xuất tăng tuổi hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vẫn đang theo hướng dàn hàng ngang, nghĩa là còn chung chung, chưa có sự phân định rõ các nhóm ngành nghề, lĩnh vực. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là phải thực hiện theo lộ trình để tránh gây sốc. "Trước đây, để chuẩn bị việc tăng tuổi hưu, chúng tôi có đưa ra lộ trình tăng trước đối với khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp tăng sau, như vậy rất rõ ràng… Còn tăng tuổi hưu như đề xuất thì hơi lo" - ông Huân nói. Cũng theo ông Huân, tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, nếu như tổng việc làm không tăng, số người ở lại ảnh hưởng số người chưa có việc làm.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện bộ máy hành chính kém hiệu quả, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì vô tình giữ lại một bộ phận yếu kém của bộ máy hành chính, trong khi nhiều sinh viên ra trường năng động, sáng tạo lại không có việc làm. Trong khi đó, bà Hà Thị Thanh Vân, chuyên viên cao cấp đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam, đề nghị tuổi nghỉ hưu cần được tính toán dựa trên nguyên tắc hợp lý: nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng giới và công bằng giới. Nhà nước nên đưa ra trần nghỉ hưu và trao quyền quyết định nghỉ hưu cho người lao động (NLĐ). "Tuổi nghỉ hưu không thể dựa trên giới tính mà phải căn cứ vào lĩnh vực, ngành nghề" - bà Vân đề nghị và cho rằng không phải tất cả nam giới đều khỏe như nhau thì nghỉ hưu ở tuổi giống nhau; không phải tất cả phụ nữ yếu như nhau thì nghỉ hưu ở cùng một độ tuổi. Vì thế, các nhà làm luật cần tính toán tuổi nghỉ hưu trên nguyên tắc hợp lý, phù hợp từng giai đoạn, điều kiện. Bà Vân nói thêm: "Tuổi nghỉ hưu cũng phải theo ngành nghề, lĩnh vực và có tính đến những ngành đặc thù như công nhân (CN) may, cơ khí, hầm lò, giáo viên mầm non... Và phải tính toán để mọi người làm đủ thời gian được hưởng tối đa lương hưu, bảo đảm an sinh xã hội".
Không có phương án phù hợp cho tất cả (!)
Trước những ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu, thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), thành viên Ban Soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) - cho biết khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo rất khó chọn được một giải pháp tuổi hưu có thể làm hài lòng được tất cả nhóm lao động. Tuy nhiên, tinh thần của ban soạn thảo là sẽ lắng nghe tối đa, nghe nhiều chiều các ý kiến khác nhau để chọn lựa phương án phù hợp nhất nhưng sẽ không có phương án nào có thể phù hợp và làm hài lòng tất cả.
Về một số nhóm lao động không thể đáp ứng được tuổi nghỉ hưu cao như dự thảo, ông Bình thừa nhận thực tế là sức khỏe của một số nhóm lao động như CN may, CN lắp ráp điện tử, giáo viên mầm non... khó có thể làm việc tới tuổi hưu theo quy định trong dự thảo là 60 tuổi. Trong khi nhóm lao động này không thuộc danh mục các nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại hay nguy hiểm. "Để giải bài toán trên, cần nhiều giải pháp tổng thể khác nữa chứ không thể vì điều đó mà không điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Mà không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì không thể giải quyết được nhiều bài toán vĩ mô và vi mô khác" - ông Bình phân tích.
Cũng theo ông Bình, tư duy một NLĐ chỉ làm một công việc từ khi trẻ tuổi tới tận cuối đời hay tới tuổi nghỉ hưu chắc cũng dần dần phải thay đổi. "Một CN khi trẻ tuổi, mắt sáng thì có thể làm thợ may. Tới tầm 50-55 tuổi, sức yếu và mắt mờ nhưng có nhiều kinh nghiệm ở công việc khác thì họ phải có cơ hội để chuyển sang công việc khác. Đơn cử như ở các nước kinh tế phát triển, công việc lái taxi không phải là của lao động trẻ như nước ta mà là của người già" - ông Bình nói và khẳng định đây cũng là cách thay đổi để giải quyết bài toán lao động dựa vào tính linh hoạt của thị trường lao động ở nhiều nước kinh tế phát triển.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm trong quá trình biên soạn, ban soạn thảo đã "mở đường" cho việc tính toán các nhóm đối tượng thuộc ngành nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi. "Vấn đề tại sao Bộ Luật Lao động chưa nêu cụ thể? Bởi luật không bao trùm hết được mà phải điều chỉnh bằng các luật khác và các văn bản khác trong thời gian tới..." - ông Bình giải thích.
Chỉ nên tăng tuổi hưu với người đóng mới BHXH
Đó là đề xuất của các đại biểu tại buổi góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Sở LĐ-TB-XH TP HCM tổ chức sáng 16-5.
Hầu hết ý kiến cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu hoặc phải có phương án khác linh hoạt hơn để phù hợp với các đặc thù trong từng lĩnh vực. Cả hai lộ trình tăng tuổi hưu do ban soạn thảo đưa ra đều chưa phù hợp với thực tế và có thể khiến NLĐ mất niềm tin. Theo ông Trần Hảo Trí (Phó trưởng Phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM), việc tăng tuổi hưu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến số đông NLĐ. Việc kéo thêm thời gian làm việc sẽ gây sốc cho NLĐ trong khi khả năng cống hiến của họ không nhiều. "Tôi cho rằng cần có thêm phương án là chỉ tăng tuổi hưu đối với NLĐ mới tham gia BHXH từ khi bộ luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến năm 2021). Những người đã tham gia BHXH từ trước phải được hưởng các chế độ hưu trí như đã giao ước trước đó" - ông Trí đề xuất.