Tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp: Liệu có chạy đua làm đẹp học bạ?
Một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ GDĐT công bố trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Tăng tỷ lệ xét tuyển học bạ lên 50%
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi sẽ gồm 4 môn; trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.
Kỳ thi được tổ chức trong hai ngày với 3 buổi thi, thay vì 4 buổi như trước.
Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GDĐT công bố, quy chế thi có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là dự kiến việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 lên 50%.
Trong khi công thức tính hiện nay là kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Đạt từ 5 trở lên, thí sinh đỗ tốt nghiệp.
Theo Bộ GDĐT, thay đổi này nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm mới, góp phần đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp.
Lo ngại làm đẹp học bạ
Dự kiến trên đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về việc làm đẹp học bạ cho học sinh để đỗ tốt nghiệp.
Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Bởi trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, nhiều trường đại học có xu hướng dành nhiều chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Tuy nhiên, thực tế khi Bộ GDĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT lại cho thấy độ vênh giữa điểm thi và điểm học bạ ở một số địa phương ở mức cao. Thậm chí, không ít thí sinh dù đạt đến 30 điểm bằng phương thức xét tuyển học bạ nhưng vẫn trượt đại học.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập lên 50% để xét công nhận tốt nghiệp THPT là một chủ trương đúng.
TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích, việc sử dụng kết quả học tập của học sinh ở cả lớp 10, 11 và 12 để xét tốt nghiệp sẽ khó để các nhà trường làm sai lệch điểm số hơn so với cách tính hiện này là chỉ dùng điểm học bạ lớp 12.
Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực. Như vậy, nếu chỉ dựa vào một kỳ thi thì không thể đánh giá toàn diện năng lực người học mà cần thêm đánh giá năng lực qua quá trình học tập bậc phổ thông.
Thế nên, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, dự kiến tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp bằng học là hợp lý với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về lo ngại làm đẹp học bạ, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng nhìn nhận, việc gian lận, mua điểm, làm đẹp học bạ là khó tránh được nhất là khi kết quả học bạ được sử dụng có động cơ là xét tốt nghiệp, xét tuyển đầu vào đại học thì sự liêm chính sẽ dễ bị xem nhẹ.
Để tránh tình trạng gian lận điểm học bạ, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng ở bậc phổ thông cần áp dụng quản lý bằng học bạ điện tử. Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cần sớm được thông qua để nâng cao trách nhiệm, ý thức nhà giáo.
“Từ giáo viên, lãnh đạo trường phổ thông đến các trường đại học nên nhận thức rõ, thương học trò, dễ dãi cho điểm số là hại các em. Nếu năng lực người học không được đánh giá công bằng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực đất nước”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.