Tăng tỷ lệ xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp phù hợp tinh thần Nghị quyết 29

Tinh thần Nghị quyết 29 đã nêu rõ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là căn cứ xét công nhận tốt nghiệp, làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Những năm gần đây, khi tự chủ tuyển sinh được đẩy mạnh, các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng đa dạng các phương thức tuyển sinh đầu vào. Trong đó, nhiều cơ sở đào tạo có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp; thay vào đó là tăng cường chỉ tiêu cho phương án xét tuyển bằng học bạ, xét kết quả kỳ thi riêng (đánh giá năng lực/đánh giá tư duy), xét kết hợp,...

Hiện nhiều trường giảm chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2025, nhà trường chỉ dành 15% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (giảm 3% so với năm nay). Xét trong 5 năm trở lại đây, chỉ tiêu của phương thức này đã giảm từ 70% xuống chỉ còn 15%. Trước đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn từng dự kiến sẽ không tuyển sinh theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Vào tháng 12 năm ngoái, Trường Đại học Nha Trang cũng cho biết từ năm 2025, cơ sở đào tạo này sẽ không còn dùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh, thay vào đó sẽ sử dụng phương thức xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học khác cũng có xu hướng giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như (năm 2024): Trường Đại học Ngoại thương (dành 20% chỉ tiêu), Học viện Ngoại giao (dành 25%), Trường Đại học Thương mại (dành 40% chỉ tiêu),...

 Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: NEU

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: NEU

Theo một cán bộ tuyển sinh của trường đại học ở phía Nam, trong bối cảnh cạnh tranh trong tuyển sinh gay gắt như hiện nay, việc các trường giảm chỉ tiêu ở phương thức xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông là điều tất yếu.

Theo đó, vị cán bộ lý giải, số lượng thí sinh hàng năm không có quá nhiều biến động (khoảng 1 triệu thí sinh), trong khi đó số trường đại học, cao đẳng lớn, chỉ tiêu năm sau lại cao hơn năm trước. Vì vậy, đây thực sự là cuộc chạy đua tuyển sinh giữa các cơ sở đào tạo. Đa số các trường đại học đều có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và tăng cường hơn chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ,... nhất là với các trường đại học thuộc top giữa và top dưới nhằm chủ động trong tuyển sinh, đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu đề ra.

Điểm thi tốt nghiệp phải là tiêu chí bắt buộc trong xét tuyển vào đại học

Trước thực tế xu hướng ngày càng nhiều trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ thi, đồng thời cho biết kỳ thi là một dữ liệu đáng tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh đầu vào. Điều này nhằm giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh; đồng thời tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả học sinh cả nước, đặc biệt các em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng, hay trang bị các chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm.

Mới đây nhất, tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu với Ban cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp, trong đó vẫn đảm bảo hài hòa với quyền tự chủ của các trường đại học.

 Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Thủy Tiên

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Thủy Tiên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ sự đồng tình về việc cần tăng cường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

“Để lựa chọn thí sinh phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường, các cơ sở giáo dục đại học có thể bổ sung thêm các tiêu chí phụ để xét tuyển, trong đó điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải là tiêu chí bắt buộc trong xét tuyển vào đại học.

Bởi đây là kỳ thi được tổ chức chặt chẽ, bài bản trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy sẽ là cơ sở dữ liệu đáng tin cậy làm căn cứ cho tuyển sinh đầu vào đại học, cao đẳng”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Cũng theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhiều phương thức xét tuyển đầu vào đại học hiện nay chưa đảm bảo được sự công bằng. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi người học và tính công bằng và khách quan trong giáo dục.

Đối với việc nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng như hiện nay, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhìn nhận, xét về luật pháp đây là quyền tự chủ của các trường (Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018). Tuy nhiên, tự chủ nhưng vẫn cần phải đảm bảo quyền lợi của người học, không được gây phiền hà cho người học, gia đình và xã hội.

Dẫn lại Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay, Nghị quyết đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.

Trong đó, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo.

“Như vậy, tinh thần Nghị quyết 29 đã nêu rõ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là căn cứ xét công nhận tốt nghiệp, mặt khác là cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng, giúp giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Việc tổ chức kỳ thi riêng là đang gây phiền hà, tốn kém cho người học.

Cách tốt nhất là các trường đại học cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Trường nào có chuyên gia giỏi có thể cùng với Bộ xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, như vậy có thể đảm bảo yêu cầu về mặt chất lượng”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ quan điểm.

Cần hài hòa giữa quyền tự chủ của trường đại học và vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, tăng tỷ lệ xét tuyển vào đại học bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hợp lý. Bởi theo ông, kỳ thi tốt nghiệp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, là kênh tuyển sinh đáng tin cậy. Hơn nữa, kỳ thi ngày càng được tổ chức bài bản, chặt chẽ ở các khâu, những năm gần đây cũng không ghi nhận sự cố đáng kể nào. Quan trọng hơn, kỳ thi đảm bảo thuận tiện cho thí sinh, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Từ việc tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề xuất cần giảm tỷ lệ xét tuyển bằng kết quả học bạ. Điều này theo ông, xuất phát từ thực tế rất nhiều cơ sở giáo dục đại học "bất chấp" để tuyển đủ chỉ tiêu, nên có sự dễ dãi trong tuyển sinh đầu vào. Trong đó, tình trạng làm đẹp học bạ là có nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều trường dành rất nhiều chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: PM

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: PM

Cũng cho rằng việc các trường đại học tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một kênh tuyển sinh đáng tin cậy, song Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần đảm bảo sự hài hòa giữa quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học với vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc khuyến khích các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là nhằm mục đích tạo sự công bằng hơn trong tuyển sinh, nhất là tăng thêm cơ hội cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng. Và đây cũng là mong mỏi của nhiều trường và thí sinh.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Vì vậy, cần xem xét các khía cạnh để đảm bảo sự hài hòa giữa quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học với vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Phó giáo sư Kim Hồng nhấn mạnh.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò quản lý nhà nước nên có hướng dẫn, các định hướng nhằm tạo sự công bằng trong công tác tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi của người học.

Ngoài ra, để kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thực sự là dữ liệu tuyển sinh đáng tin cậy cho công tác tuyển sinh đại học, Phó giáo sư Nguyễn Kim Hồng cho rằng mọi công tác tổ chức thi phải nghiêm túc, không được có gian lận trong quá trình thi, từ chỗ thi, tới khâu chấm thi, thông báo kết quả thi. Đề thi phải đủ độ phân hóa, đảm bảo có thể phân loại được các nhóm thí sinh có năng lực từ xuất sắc, giỏi, khá, trung bình,...

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 có mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; đồng thời, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Thay vì phải làm 4 bài thi (với kiến thức 6 môn học như hiện nay, bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội), từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ thi 4 môn.

Trong đó, có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn do học sinh lựa chọn trong số các môn học còn lại, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Toàn bộ nội dung chương trình học và thi cử được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng: “Về luật, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh theo hình thức và phương thức của mình như kiểm tra đánh giá năng lực, có thể tổ chức các kỳ thi riêng, nhưng nếu cân nhắc trên nhiều phương diện thì đây (kết quả thi tốt nghiệp - PV) là một trong những nguồn có thể lấy kết quả chính, không những giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh mà chính các trường cũng không phải huy động lực lượng, nhân lực, vật tư để lo công tác tuyển sinh này”.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tang-ty-le-xet-tuyen-dh-bang-diem-thi-tot-nghiep-phu-hop-tinh-than-nghi-quyet-29-post244209.gd