'Tăng xông' vì triết lý của chồng lười
Từ ngày kết hôn, anh không đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Trong mắt chị, anh là người chồng siêu lười, quanh năm chỉ biết ăn, nằm kềnh xem ti vi và ngủ.
Bận con nhỏ nhưng chị vẫn phải nhắc anh đi tắm, rửa tay. Mỗi lúc ăn tối xong, chị nhắc nhiều lắm thì anh mới chịu lau hộ cái bàn, xếp hộ cái ghế. Nếu hôm nào chị quên không nhắc là y như rằng, anh lại ra phòng khách nằm khểnh xem ti vi...
Quá chán ngán với cuộc sống có người chồng lười biếng và hững hờ, chị thấy khổ tâm và mệt mỏi vô cùng. Nhưng chị không thể buông xuôi, chị không thể hầu hạ anh cả đời như này được.
Một buổi sáng nhàn việc ở cơ quan, chị ngồi thẫn thờ suy nghĩ, một đồng nghiệp đến bên, hỏi: “Bà đang buồn chuyện gì vậy nè? Có thể tâm sự với tôi không?”. Như vừa được gãi trúng chỗ ngứa, chị kể hết cho đồng nghiệp nghe chuyện ông chồng lười biếng. Đồng nghiệp gật gù: “Theo tôi, một người vợ thông minh sẽ biết cách làm sao để chồng phải chăm chỉ một cách tự nguyện”.
Chị băn khoăn: “Tôi chưa hiểu ý bà lắm”. Đồng nghiệp giải thích cụ thể: “Khi bà ngồi xuống và nói chuyện rõ ràng với chồng, bà cũng sẽ hiểu được gốc rễ của việc lười biếng ấy là từ đâu. Nếu như chồng bà thực sự là một người lười biếng, hãy chỉ ra đấy là một việc không được chấp nhận và khuyến khích anh ấy thay đổi bằng những điều nhỏ nhất như tự lo cho việc của mình.
Nhưng nếu như anh ấy lười là bởi vì sức khỏe của anh ấy không tốt, anh ấy mắc bệnh gì đó, quá mệt mỏi sau khi đi làm về thì cần có một kế hoạch cân bằng sức khỏe để anh ấy có thể lực tốt hơn”.
Nghe đến đây chị cười phá lên: “Haha, người có sức khỏe không tốt, người mắc bệnh gì đó và luôn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi đi làm về phải là tôi mới đúng. Lão chồng tôi khỏe như vâm ý, mỗi tội lười chảy thây, chán lắm bà biết không?”.
Đồng nghiệp của chị ra chiều hiểu chuyện: “Bà bình tĩnh nghe tôi nói đã. Nếu chồng bà quá lười biếng, rất dễ để đưa ra câu hỏi: “Anh lười như vậy thì tại sao tôi phải làm?”. Hôn nhân sẽ mất đi giá trị nếu cả hai cùng bỏ bê nó. Nhưng nếu vì chồng lười mà bà cố làm tất cả thì anh ấy sẽ tiếp tục lười và ỷ lại. Do đó, hãy chọn ra những việc cố định cần thiết phải làm trong gia đình do bà đảm đương, còn lại phân công cho anh ấy.
Nếu anh ấy không hoàn thành, hãy để mặc những điều đó để thúc anh ấy phải tự giác và chăm chỉ làm việc của mình. Ví dụ như bà phân công áo quần của anh ấy cần phải được chính anh ấy dọn dẹp sạch sẽ và giặt giũ mỗi ngày nếu anh ấy không thực hiện, bà sẽ không làm giúp. Sự cứng rắn, không cả nể này sẽ giúp bà khắc phục phần nào sự lười biếng vô tội vạ của chồng”.
Nghe lời đồng nghiệp, tối hôm ấy chị về nhà, hỏi anh nhẹ nhàng: “Anh vứt đống quần áo bẩn trong nhà tắm vào máy giặt cho em nha”. Anh ngước lên: “Em là ai? Anh không biết em, em xê ra đi”. Chị bàng hoàng nhìn anh, anh vội vàng “sửa sai”: “Ấy ấy, anh chỉ hùa theo trào lưu của hội trẻ trên mạng thui mà, vừa nãy em bảo anh cái gì nhỉ?”.
Chị ngồi lại bên anh, giảng giải một thôi một hồi về việc anh lười biếng, dẫn đến tình trạng kinh tế gia đình sa sút, chị thường xuyên mệt mỏi vì phải ôm đồm quá nhiều.
Anh đáp lại vô cùng nghiêm túc: “Em nghe này, người ta có sẵn ô tô, nhà mình không có, vì mình đã có đôi chân, mình có thể đi bộ. Người ta có sẵn xe máy, nhà mình không có, nhưng mình có đôi chân, mình có thể đi bộ.
Người ta hơn mình cái gì không quan trọng, điều mình cần làm là phải tiến về phía trước. Và em thấy đấy, bao năm nay anh vẫn tiến về phía trước, chưa bao giờ đi giật lùi, nhá!”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/tang-xong-vi-triet-ly-cua-chong-luoi-NtVTeNkng.html