Tánh Linh: Đổi mới tư duy làm nông nghiệp

Bên cạnh sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Tánh Linh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với những sáng kiến của nông dân, mạnh dạn dám nghĩ dám làm đã tạo nên những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Tánh Linh.

Tánh Linh

Thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp kết hợp ở Tánh Linh. Ảnh: N.Lân

Thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp kết hợp ở Tánh Linh. Ảnh: N.Lân

Cách đây hơn chục năm, anh Nguyễn Ngọc Luật ở thôn 3, xã Bắc Ruộng làm thủ tục vay ngân hàng 500 triệu đồng để mua máy gặt liên hợp kết hợp với máy cuộn rơm. Thời gian ấy thuyết phục được ngân hàng để rót vốn mua máy khá khó khăn vì mô hình quá mới ở Bình Thuận chưa ai làm. Nhưng với kiến thức anh học được và trình bày thị trường tiêu thụ rơm cho dân làm thanh long nên ngân hàng chấp nhận đầu tư. Từ việc rơm gặt xong phải tốn công gom rồi đốt bỏ, khi có máy cuộn rơm của anh Luật, dân trong vùng không phải mất công dọn rơm mà còn được thêm một khoản tiền khá bằng với tiền thuê máy gặt. Trong khi gia đình anh vừa có việc làm quanh năm vừa tạo thêm nguồn thu nhập từ máy gặt và kinh doanh rơm. Từ lợi nhuận chiếc máy gặt ban đầu, 2 năm sau anh trả được nợ ngân hàng và mua thêm máy gặt liên hợp, xây dựng kho chứa rơm để cung cấp cho thị trường Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong và tỉnh Đồng Nai. Với ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình lại có cách làm khác. Sau thời gian về vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long học hỏi kỹ thuật làm lúa hữu cơ xuất khẩu theo công nghệ của các nước phát triển trên thế giới, ông Đức đã thử nghiệm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cánh đồng Đức Bình. Quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tương đối “khó khăn” vì phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước như trước khi gieo giống phải phun thuốc xử lý rơm rạ còn sót lại vụ trước, cày xới rồi “ngâm đất” 10 ngày để diệt sâu bọ và các vi khuẩn gây hại rồi mới sạ. Lúa 3 ngày tuổi phải diệt mầm cỏ, lúa 7 ngày bón phân hữu cơ 50 kg/sào. 10 ngày bón phân NPK, 20 ngày bón phân hữu cơ vi sinh 30 kg/sào. 22 ngày, 30 ngày tuổi xịt các loại khoáng chất bổ sung dinh dưỡng cho lúa. 45 ngày tuổi bón NPK và Kali lần cuối, sau đó ngưng hoàn toàn cho đến 90 hoặc 100 ngày thu hoạch. Sau thu hoạch là công đoạn phơi, sấy và xay xát thành gạo… Do khó làm nên ban đầu nhiều người không “mặn mà” nhưng khi thấy làm lúa hữu cơ có lợi nhuận cao hơn và chủ động được thị trường, không phụ thuộc giá cả của tư thương như làm lúa thường nên chỉ sau 2 vụ đã có nhiều người đăng ký làm. Từ sự tìm tòi học hỏi của mình cộng thêm sự trợ giúp của Phòng NN – PTNT Tánh Linh, năm 2016 HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình hình thành và đưa vào trồng lúa theo hướng hữu cơ. Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình bình quân mỗi năm sản xuất 2 vụ/20 - 25 ha với sản lượng từ 80 – 100 tấn/năm, bình quân mỗi sào lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thường từ 1 – 1,5 triệu đồng.

Đó là 2 trong hàng trăm và cả hàng ngàn nông dân ở Tánh Linh mạnh dạn đổi mới tư duy làm nông nghiệp. Bên cạnh sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Tánh Linh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với những sáng kiến của nông dân, mạnh dạn dám nghĩ dám làm đã tạo nên những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Tánh Linh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, vật nuôi ở Tánh Linh tạo được thương hiệu và bán chạy trên thị trường trong ngoài tỉnh như: “Gạo Tánh Linh, chả cá thát lát, thỏ gác bếp, sầu riêng Tà Pứa, hạt điều Hoàng Phú… Đến nay Tánh Linh đang duy trì sản xuất trên 3.541 ha lúa và hoa màu các loại, sản lượng lương thực của huyện đạt trên 185.000 tấn/năm, tăng gần gấp 3 lần so cách đây 15 năm.

Đại Lực

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tanh-linh-doi-moi-tu-duy-lam-nong-nghiep-143227.html