Tánh Linh: Phạt nhiều cơ sở vì kinh doanh gây ô nhiễm môi trường

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tánh Linh cho biết, trước phản ánh và kiến nghị của người dân, huyện đã tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường theo quy định…

Trước đó, người dân xã Gia Huynh cho rằng, các cơ sở chế biến mủ cao su trên địa bàn xã đã có hệ thống xử lý nước thải, nhưng một số cơ sở khi sản xuất không vận hành hệ thống xử lý mà xả nước trực tiếp ra đất, suối. Mùi hôi thối của mủ cao su không đảm bảo về môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, người dân xã Măng Tố phản ánh tại suối cầu Cháy giáp ranh giữa xã Bắc Ruộng và xã Măng Tố có hộ ông Nguyễn Bá Thụy ở tại xã Bắc Ruộng buôn bán nông sản; hiện nay hộ ông Thụy thường xuyên quạt lúa nhưng không có nơi chắn lúa lép mà cho ra suối và ông thường xuyên quạt bụi bay rất nhiều, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bà con khu vực xóm 4, thôn 3. Do đó, UBND huyện phải chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xử lý.

Nhớt thải tái chế do Trương Văn Nghị thực hiện.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tánh Linh cho biết, thời gian qua, việc kiểm tra công tác đảm bảo quy định pháp luật môi trường tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn được UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp địa phương thực hiện thường xuyên. Đối với nội dung phản ánh của người dân xã Gia Huynh, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an huyện và UBND xã Gia Huynh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến mủ cao su, xử lý nghiêm hành vi xả thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đồng thời chỉ đạo UBND xã Gia Huynh thành lập Tổ giám sát cộng đồng để giám sát việc thực hiện xử lý nước thải tại các cơ sở chế biến mủ cao su trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện quả tang các cơ sở xả thải ra môi trường để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong năm 2023, Đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND huyện thành lập đã kiểm tra và tham mưu UBND huyện xử phạt 3 cơ sở chế biến mủ cao su gồm: Công ty TNHH Tân Thành, Công ty TNHH Trường Báu, Công ty TNHH Bảo Trâm với tổng số tiền phạt là 105 triệu đồng. Ngoài ra, phối hợp Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Trường An, Công ty TNHH Linh Kiết với tổng số tiền phạt là 70 triệu đồng. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Gia Huynh tiếp tục kiện toàn, duy trì Tổ giám sát cộng đồng, có kế hoạch giám sát, kịp thời phát hiện quả tang các cơ sở xả thải ra môi trường, lập hồ sơ ban đầu và báo cáo ngay cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện để xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đề nghị cử tri khi phát hiện quả tang các cơ sở xả thải ra môi trường thì kịp thời báo cáo cho UBND xã Gia Huynh để xử lý ngay và nghiêm cấm các trường hợp vi phạm nhằm chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến mủ cao su.

Đối với phản ánh của cử tri xã Măng Tố, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND xã Bắc Ruộng và UBND xã Măng Tố đã kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm của hộ ông Nguyễn Bá Thụy. Qua kiểm tra phát hiện hộ ông Thụy có vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nên Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở thu mua nông sản của ông Thụy với số tiền 17,5 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu ông Thụy khắc phục, bổ sung hoàn thiện các hạng mục bảo vệ môi trường của cơ sở. Sau xử lý, ông Thụy đã bổ sung các hạng mục xử lý bụi, đến nay cơ bản đã khắc phục tình trạng phát sinh bụi do quá trình quạt lúa. UBND huyện đã chỉ đạo xã Bắc Ruộng và xã Măng Tố tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát để hoàn thiện giải pháp bảo vệ môi trường tại cơ sở.

Liên quan lĩnh vực này, ngày 11/4/2024, tại khu đất giao khoán của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Dinh (thuộc địa bàn xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, giáp ranh xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam), Công an huyện Tánh Linh đã bắt quả tang ông Trương Văn Nghị (SN 1971, ở Đồng Nai) có hành vi tái chế nhớt thải không có giấy phép môi trường theo quy định. Diện tích sử dụng để hoạt động tái chế nhớt thải khoảng 1.000 m2, dưới tán cây điều. Công an huyện đã thu giữ hệ thống nhớt thải tự chế, 3 thùng nhớt đã tái chế khoảng 600 lít, 2 thùng nhớt thải chưa tái chế khoảng 400 lít để tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tanh-linh-phat-nhieu-co-so-vi-kinh-doanh-gay-o-nhiem-moi-truong-119403.html