Tạo bản sắc du lịch bằng văn hóa bản địa
Có thể nói, văn hóa bản địa là nền tảng cơ sở để làm du lịch. Những năm gần đây, tại Hà Nội, các địa phương đã chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần giới thiệu về vùng đất, con người với du khách trong và ngoài nước.
Trân trọng, nâng tầm giá trị nội tại
Đã thành thông lệ, người dân thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, mỗi tối lại rủ nhau ra nhà văn hóa tập hát ví, đánh chiêng Mường để biểu diễn trong các dịp lễ, Tết…
Bà Bùi Bích Thìn, dân tộc Mường, Nghệ nhân ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết: Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tiến Xuân có 25 thành viên thường xuyên tham gia biểu diễn vào các dịp lễ, Tết đã thu hút nhiều người xem.
Câu lạc bộ văn hóa truyền thống được hình thành, tạo điều kiện cho bà con được giao lưu, trình diễn để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc với các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô, tham gia biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trước đây, văn hóa người Mường, văn hóa cồng chiêng đã từng có một thời gian ngắn bị “lãng quên”. Tuy nhiên, với việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, các bản sắc dân tộc đã dần được khôi phục và gìn giữ.
“Đặc biệt, đối với người Mường chúng tôi, văn hóa cồng chiêng là không thể thiếu. Văn hóa này cũng đã và đang được quan tâm, bảo tồn và phát huy giá trị. Những năm qua, tôi rất mừng vì đã rất nhiều lần được quảng bá văn hóa cồng chiêng đến du khách trong và ngoài nước thông qua các hoạt động du lịch”, Nghệ nhân ưu tú Bùi Bích Thìn bày tỏ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, từ một xã miền núi khó khăn của huyện, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thu nhập và mức sống của người dân còn thấp. Đến nay, sau khi hoàn thành nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã Tiến Xuân đã được đầu tư nâng cấp.
Trong đó, đường giao thông nông thôn, trạm y tế được xây dựng khang trang. Bà con nhân dân ai nấy đều rất phấn khởi. Người dân ngày càng nhiều người dân làm việc tại các khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng.
Nói về việc phát triển du lịch tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, Tiến Xuân có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bởi nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng. Trước hết là từ điều kiện vị trí địa lí và văn hóa bản sắc dân tộc. Tiến Xuân hiện nay có 70 % người dân tộc Mường.
Những nét văn hóa đặc sắc của người Mường trên địa bàn đến nay vẫn được gìn giữ như: Nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; hay các giá trị văn hóa phi vật thể, như: Ngôn ngữ, mo Mường, cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mường…
“Văn hóa dân tộc Mường chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường. Hiện nay, cùng với phát triển du lịch, nhiều nét văn hóa người Mường cũng đã và đang được gìn giữ, phát huy”, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân nhận định.
Hiện nay, không chỉ ở xã Tiến Xuân, mà các xã Yên Trung, Yên Bình (Thạch Thất), đồng bào người Mường cũng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như: dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, dân ca, dân vũ, hát xường, ném còn, đánh coi và một số môn thể thao truyền thống như: đi cà kheo, bắn nỏ, kéo co... được người dân tổ chức biểu diễn vào các ngày lễ, tết.
Đây cũng chính là cơ hội để người Mường ở Thạch Thất quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc đến du khách trong và ngoài nước thông qua các hoạt động du lịch tại địa phương, để từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân.
Xu hướng du lịch tương lai
Nếu như trước đây, du khách đi du lịch với mục đích chính là tham quan, nghỉ dưỡng thông thường thì nay là nhu cầu nghỉ dưỡng chất lượng cao, muốn tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa và cuộc sống bản địa, tìm hiểu tính khác biệt, đặc sắc và nguyên bản.
Không chỉ ở huyện Thạch Thất mà trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay cũng có nhiều tài nguyên văn hóa với tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó có thể kể đến như: thị xã Sơn Tây, huyện Thường Tín, huyện Ba Vì, huyện Mỹ Đức…
Điển hình như ở Sơn Tây, văn hóa xứ Đoài được hòa quyện, cộng hưởng cùng các giá trị văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và thể hiện một cách rõ nét. Sơn Tây tự hào có gần 400 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 19 di tích và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nhiều di sản cấp tỉnh.
Đặc biệt là làng cổ ở Đường Lâm - ngôi làng duy nhất còn lưu giữ nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán điển hình của làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ - “bảo tàng sống” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Tại Đường Lâm hiện nay, nhờ phát triển du lịch mà rất nhiều người đã và đang bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Vững (chủ homestay Vững Tâm), hiện nay vẫn giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của cha ông để lại nhằm mang đến cho du khách một không gian văn hóa cổ điển hình của xứ Đoài.
Ngoài việc kinh doanh dịch vụ homestay, nhiều hộ dân ở Đường Lâm còn kết hợp gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế, như gia đình ông Hà Nguyên Huyến và ông Nguyễn Hữu Thể với nghề làm tương, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng có nghề làm chè lam; gia đình ông Cao Văn Hiền với cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Hiền Bao, mỗi tháng sản xuất trung bình 1,5 tấn kẹo…
Nhìn rộng ra các tỉnh, thành phố phía Bắc, những năm gần đây, các địa phương này đã dựa vào sản phẩm văn hóa bản địa để khai thác tiềm năng du lịch, điển hình như: Bái Đính - Tràng An (tỉnh Ninh Bình); Đền Trần (tỉnh Nam Định); chợ tình Tây Bắc... Du lịch văn hóa nói riêng và du lịch nói chung đều là đòn bẩy để hàng loạt ngành dịch vụ phụ trợ được hưởng lợi như vận chuyển, dịch vụ ăn uống, lưu trú, hàng hóa lưu niệm.
Bên cạnh đó, văn hóa - yếu tố cốt lõi của sự kiện càng được quảng bá, tôn vinh. Theo quan sát, đối với các cộng đồng thiểu số, khi sử dụng văn hóa để làm du lịch và thu được tiền từ làm du lịch thì chính họ quay lại bảo vệ truyền thống văn hóa của cộng đồng mình một cách bền vững. Điều dễ thấy trước tiên đó là về trang phục, kiến trúc nhà ở và ngôn ngữ.
Có thể nói, văn hóa và du lịch có mối quan hệ tương tác, gắn bó mật thiết, sâu sắc. Văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là kho báu, là môi trường, là lực hấp dẫn để du lịch phát triển. Có thể khẳng định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc. Ngược lại, thông qua du lịch, văn hóa được giới thiệu, quảng bá, phát huy và có thêm những điều kiện để giao lưu phát triển.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tao-ban-sac-du-lich-bang-van-hoa-ban-dia-147930.html