Tạo bản sắc du lịch từ văn hóa bản địa
Thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với gần 120 năm lịch sử hình thành và phát triển, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu đặc trưng và bản sắc văn hóa độc đáo - là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Lào Cai và của cả nước, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng.
Thử sức với homestay
Mỗi lần đến Sa Pa, hòa vào cảnh sắc của các bản làng tôi đều có cảm xúc tươi mới. Tôi thường lân la đến các xã Tả Van, Lao Chải vào sáng sớm, khi núi đồi còn bao trùm bởi màn sương, cảnh vật hiện lên huyền ảo như một bức tranh thủy mặc.
Tả Van và Lao Chải là hai xã nằm trong thung lũng, giữa núi Hàm Rồng dãy Hoàng Liên Sơn. Đây là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số như: Giáy, Tày, Mông, Dao…
Ông Hoàng Văn Mục (dân tộc Giáy) là người đầu tiên xây dựng loại hình du lịch - dịch vụ cộng đồng (homestay) ở Tả Van năm 1997. Ý tưởng đó xuất phát từ thực tế, khi ông thấy nhiều người đến các bản đều quan tâm đến văn hóa, lối sống của người bản địa. Ông Mục đã vận động vợ, con, hàng xóm cũng như những người dân khác thực hiện để cung cấp loại dịch vụ cùng ăn, cùng ở, cùng lao động cho du khách.
Từ năm 2008, với sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Tổ chức Phát triển Hà Lan, Sa Pa đã xây dựng thí điểm Dự án hỗ trợ du lịch bền vững. Với mục tiêu đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sa Pa trong việc kinh doanh du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc…
Đến nay, Tả Van có 50 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng. Ông Sần Văn Mừn, một hộ dân làm du lịch chia sẻ, mỗi hộ thường có thể đăng ký lưu trú cho 20 khách. Khách đến sẽ được tìm hiểu trực tiếp các phong tục tập quán người dân trong quá trình lưu trú. Giá lưu trú một đêm tại Tả Van khá rẻ, dao động chỉ từ 100 nghìn đồng/phòng. Tuy nhiên, cũng có những phòng lưu trú cao cấp do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
Ở Tả Van có các món ăn truyền thống như gà đồi nướng, thịt lợn bản, các loại bánh lá, xôi nếp và hương vị đậm đà của rượu ngô, xôi ngũ sắc, rượu táo mèo và nhất là rượu làm từ mận đỏ. Tại Tả Van, có một điều làm khách du lịch rất hào hứng, đó là được mặc những bộ trang phục dân tộc đẹp mắt để chụp ảnh.
Đến với mỗi bản làng khác nhau, du khách lại được tiếp xúc và tìm hiểu những nét riêng truyền thống đã trở thành đặc trưng của mỗi dân tộc. Vào mỗi thời điểm, khách được trải nghiệm các lễ hội truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc như: Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở San Sả Hồ, lễ hội xuống đồng của người Giáy ở Tả Van, lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Thanh Kim, lễ hội xòe ở Thanh Phú, trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Tả Phìn…
Theo “bản đồ” du lịch Sa Pa, du khách có thể đi theo các tuyến du lịch như: Sa Pa - Sả Séng - Hang Đá - Hầu Thào - Sử Pán; Sa Pa - Y Linh Hồ - Lao Chải - Tả Van - Giàng Tà Chải; Sa Pa - Má Tra - Tả Phìn - Móng Sến; Sa Pa - Bản Hồ - Thanh Phú - Nậm Sài - Nậm Cang. Du khách có thể lựa chọn đi bộ điền dã, đi xe máy, ô tô hoặc kết hợp các phương tiện, tận hưởng chuyến du lịch cộng đồng từ 2-4 ngày.
Cần sự phát triển bền vững
Có thể dễ dàng thấy, ở trung tâm thị xã Sa Pa du lịch đang phát triển nóng. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, mật độ xây dựng dày, nhiều vẻ đẹp như các hàng thông, biệt thự cổ không còn. Nhiều công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới cảnh quan; quá trình đô thị hóa nhanh làm giảm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Đây là điều các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã nhận ra. Việc phát triển du lịch cộng đồng, phần nào “kéo giãn” khách về các bản du lịch, giảm áp lực ở khu vực trung tâm là cách làm thông minh, thể hiện sự sáng tạo của người dân cũng như cơ quan quản lý các cấp ở địa phương.
Có thể thấy, Tả Phìn là một trong những xã làm rất tốt du lịch cộng đồng ở Sa Pa. Ngoài được thiên nhiên ưu đãi, nơi đây còn có nhiều người dân dám nghĩ, dám làm. Vợ chồng chị Giàng Thị Xa, ở thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn năng nổ làm du lịch.
Trước đây, gia đình chủ yếu sống nhờ thu nhập từ nương rẫy, nhưng khi triển khai làm du lịch homestay, gia đình chị đã có nguồn thu ổn định. Chị Xa chia sẻ: “Từ năm 2014, gia đình tôi bắt tay vào làm. Ngoài phục vụ lưu trú, ăn uống cho du khách, chúng tôi còn có thể trình diễn nghề thủ công truyền thống. Giá tiền lưu trú 100 nghìn đồng/người”.
Hay như chị Thào Thị Sung, ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn đã vay vốn ưu đãi của ngân hàng để làm dịch vụ, nâng cao thu nhập cho gia đình. Điều đáng nói, các chị luôn chủ động xây dựng kế hoạch quảng bá, mua bán sản phẩm, nhập nguyên liệu để sản xuất đồ thổ cẩm sao cho phù hợp thị hiếu của du khách.
Bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, có gần 80 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Mông, hầu hết nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản, một số nằm rải rác trên các sườn núi.
Ở trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rào là suối Vàng, suối Bạc và Tiên Sa cùng ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) quanh năm róc rách chảy. Bên cạnh thác có hai chiếc cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ thu hút nhiều du khách ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm. Anh Giàng A Thông, ở thôn Cát Cát, chia sẻ, hầu hết phụ nữ trong bản đều làm du lịch, đầu tư mở homestay, kinh doanh thổ cẩm, đồ lưu niệm.
Theo Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, xưa kia, người Mông sống tự cung tự cấp, lấy lao động sản xuất nông nghiệp làm kế sinh nhai, nên mọi quyền quyết định trong gia đình chủ yếu là do nam giới, bởi họ là trụ cột chính trong lao động. Nhưng từ khi có phong trào làm du lịch cộng đồng thì mọi chuyện đã thay đổi.
Bà Lý Mẩy Pham - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tả Phìn, cho biết, trước đây người dân chủ yếu bán hàng rong, thì nay chị em người dân tộc đã tham gia hoạt động dịch vụ du lịch chuyên nghiệp... Phụ nữ dân tộc có một lợi thế là họ được tiếp cận các hoạt động du lịch từ nhỏ, nhiều người có khả năng ngoại ngữ, khả năng tiếp cận thông tin truyền thông tốt hơn nam giới.
Mỗi năm, Sa Pa đón hàng triệu du khách, đó là minh chứng cho thấy thị xã miền núi này vẫn hấp dẫn khách du lịch. Điều đáng nói, Sa Pa có quá nhiều vẻ đẹp, trầm tích văn hóa, có nhiều nơi check-in thu hút giới trẻ, du khách.
Đó là những thành quả ban đầu. Song để có được vị thế của một điểm đến tầm cỡ quốc tế và có văn hóa du lịch chuyên nghiệp, Sa Pa vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn, Sa Pa hướng đến chính sách phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với thiên nhiên, định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao.
Thời gian tới, địa phương hình thành năm điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng năm dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy; Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông; Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày; Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Phù Lá (nhóm ngành Xá Phó). Cơ quan chức năng địa phương đặt mục tiêu là đến năm 2025, du lịch cộng đồng sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, Sa Pa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.900 tỷ đồng.
Mục tiêu là vậy, việc phát triển bền vững là vô cùng quan trọng, theo đó cần đi theo con đường phát triển du lịch có tránh nhiệm. Đó là trách nhiệm với môi trường, cảnh quan, tạo sự văn minh trong cộng đồng du lịch, ý thức của du khách đối với mỗi điểm đến… Để làm được điều này cần chiến lược hoàn chỉnh, với sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và người dân.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-ban-sac-du-lich-tu-van-hoa-ban-dia-10282117.html