Tạo bước đột phá thị trường xuất khẩu tiềm năng
Hiện nay, ngành công nghiệp đóng góp gần 2/3 trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương và là nền công nghiệp hướng vào xuất khẩu. Để các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong năm 2025 tiếp tục triển khai hiệu quả, trọng tâm là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, bảo đảm sự tăng trưởng của kinh tế theo mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và tạo bước đột phá ở những thị trường xuất khẩu mới tiềm năng; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đối số, chuyển đổi xanh, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin thị trường theo hướng chuyên sâu vào từng nhóm ngành hàng - sản phẩm gắn với từng thị trường cụ thể; cung cấp kịp thời thông tin kinh tế, thương mại, đầu tư và hội nhập quốc tế, nhất là thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, thực thi, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)…
Các hiệp hội ngành hàng kiến nghị Bình Dương tiếp tục chú trọng thực hiện kết nối giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài (nhà phân phối, nhà nhập khẩu, sàn thương mại điện tử xuyên giới); đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường nghiên cứu các nhà đầu tư, tập đoàn lớn, dẫn đầu về công nghệ tại các nước là đối tác chiến lược để thực hiện giới thiệu, kết nối, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên phát triển.
Hiện nay, nhiều hiệp hội ngành hàng đã và đang triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư qua nền tảng số, trên môi trường trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để truyền thông, quảng bá giới thiệu cơ hội đầu tư kinh doanh, giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu, tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Để tăng nội lực tự thân, các hiệp hội ngành hàng đã và đang kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, ưu tiên hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm sản xuất xanh, tuần hoàn. Đồng thời, các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin nghiên cứu thị trường, ngành hàng, sản phẩm, các chính sách ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do; xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh quốc tế, xúc tiến thương mại, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường...