Tạo 'bước nhảy vọt' cho hàng Việt tới gần hơn với người tiêu dùng
Để giảm mối lo về sức mua thì việc tạo 'bước nhảy vọt' cho hàng Việt tới gần hơn với người tiêu dùng là rất quan trọng. Điều này đến từ việc các doanh nghiệp nội địa cần đặt trải nghiệm của người dùng làm trọng tâm, lan tỏa những giá trị tích cực, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại và trực tuyến một cách hiệu quả, tối ưu hóa vận hành của hệ thống bán lẻ, phát triển các kênh kỹ thuật số (digital) để tiếp cận khách hàng…
Trong đánh giá mới đưa ra về Chương trình Nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và cách tân của các ngành kinh tế chủ lực năm 2024, CTCP Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) có nhấn mạnh đến “ô cửa” sống còn của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ở Việt Nam là phải đổi mới sáng tạo.
Đặt trải nghiệm của người dùng làm trọng tâm
Chẳng hạn như với các DN nằm trong Top 10 DN Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả ở ngành bán lẻ, chiến lược đổi mới sáng tạo cho phép họ đi trước đối thủ cạnh tranh, thích ứng với những điều kiện thị trường đang thay đổi và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Ngoài ra, các công ty có văn hóa đổi mới mạnh mẽ có mức tăng trưởng giá trị doanh nghiệp cao hơn 30% và mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 20% so với các công ty cùng ngành.
Nghiên cứu của Viet Research cũng cho thấy cải thiện trải nghiệm khách hàng là một trong năm xu hướng định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành bán lẻ Việt.
Theo đó, các nhà bán lẻ tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng thông qua việc tối ưu hóa không gian cửa hàng, cung cấp dịch vụ thuận tiện và tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Họ đã đầu tư vào việc phát triển các cửa hàng thông minh và tương tác, kết hợp giữa mô hình bán lẻ truyền thống và công nghệ mới như VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) để tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo cho khách hàng.
Ngoài mảng bán lẻ, để tới gần hơn với người tiêu dùng nội địa, theo Ts. Abel D. Alonso (Đại học RMIT), các DN Việt ở những lĩnh vực khác nên truyền tải những trải nghiệm, hình ảnh và câu chuyện đáng nhớ, vừa phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng nhất quán cho thấy lời nói đi đôi với việc làm.
Như chia sẻ của vị chuyên gia này, tại Việt Nam hiện có nhiều nhà sản xuất độc lập trong lĩnh vực thực phẩm, thời trang, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm chuyên biệt. Di sản thiên nhiên và văn hóa phong phú cũng tạo điều kiện cho nhiều DN vừa và nhỏ xuất hiện trong ngành du lịch - khách sạn. Đây chỉ là một vài trong số nhiều ngành có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực xây dựng thương hiệu đến gần với người tiêu dùng dựa trên giá trị gia tăng.
Còn đứng ở góc độ của một DN Việt trong ngành hàng sản xuất nước hoa, trao đổi với VnBusiness, ông Võ Sỹ Đạt, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT CTCP GoodCharme, nhấn mạnh mục tiêu là đặt trải nghiệm của người dùng làm trọng tâm nên công ty không ngừng cải thiện công nghệ sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Song song với đó, công ty cũng đẩy mạnh những hoạt động hợp tác cùng các đơn vị, nhằm kiến tạo nên các giá trị cho người tiêu dùng, cùng nhau tiến xa hơn trên thị trường nước hoa Việt Nam.
Chẳng hạn với các dòng sản phẩm mới, theo ông Đạt, chắc chắn phải có sự khác biệt trên thị trường, như về chất liệu và tất cả nguyên liệu đều được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu. Tuy nhiên để giảm giá thành thì các nguyên liệu này được đưa vào các nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhằm cung ứng cho thị trường nội địa phù hợp với túi tiền của người mua. Những sản phẩm nước hoa được sản xuất ra như vậy nếu mua ở nước ngoài sẽ có mức giá rất cao, nhưng với mức giá cực kỳ hợp lý ở trong nước sẽ là một điểm mạnh trong giá trị mà công ty muốn mang lại cho người tiêu dùng nội địa.
“Mỗi bộ sưu tập, mỗi thiết kế sản phẩm mới đều được chúng tôi sáng tạo phù hợp với người Việt. Mỗi thiết kế sản phẩm đều sở hữu một câu chuyện và cá tính rất riêng mà ở đó mỗi người đều bộc lộ chính phong cách của mình”, ông Đạt nói.
Để giảm mối lo về sức mua
Ngoài ra, để tăng tính hiệu quả trên kênh bán hàng, vị chủ tịch của GoodCharme cho biết công ty dành sự quan tâm đến kênh bán hàng trực tuyến (online) lẫn kênh bán hàng truyền thống, cùng các store (cửa hàng), bên cạnh đó là kênh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực.
Riêng với khâu trải nghiệm khách hàng để thương hiệu sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn, ông Đạt cho biết đã nhờ cậy đến các KOL (những người có sự ảnh hưởng đến mọi người trên các nền tảng mạng xã hội), giới nghệ sĩ và thu hút người tiêu dùng đến các điểm cửa hàng riêng của công ty để dùng thử sản phẩm. Và để đưa sản phẩm Việt chất lượng cao tới gần hơn với người tiêu dùng, đơn cử như vào ngày 25/4, công ty đã lựa chọn ca sĩ Cao Thái Sơn làm đại sứ thương hiệu nước hoa để lan tỏa thông điệp của mình đến với người tiêu dùng.
Hoặc như với góc nhìn của một DN nội địa có tên tuổi trong ngành nhựa, để đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng, ông Trần Thái Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SX – TM – DV Qui Phúc, cho biết công ty tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm thông minh, tiện ích và chất lượng. Và nhất là tập trung vào việc chăm sóc khách hàng và xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả. Như hiện tại, công ty đã thành công trong việc xây dựng hơn 15.000 điểm bán trong 63 tỉnh thành và 3.000-5.000 điểm bán tập trung chủ yếu vào Đông Nam Á, cũng như đang tiếp tục mở rộng ra toàn cầu.
“Chúng tôi dự kiến tăng từ 15 đến 20% mỗi năm cho kênh GT (kênh phân phối hàng hóa truyền thống) và đã có hệ thống siêu thị cho kênh MT (kênh phân phối bán hàng theo hướng hiện đại) từ lâu. Kênh B2B (hình thức giao dịch thương mại giữa các DN với nhau) cũng nhận được sự chú ý đặc biệt từ công ty, cũng như các kênh đặc thù khác”, ông Nguyên nói.
Ngoài những chia sẻ nêu trên, một số DN nội địa còn thổ lộ câu chuyện về phát triển các kênh digital (kỹ thuật số) để tiếp cận khách hàng. Nhờ đó đã mang lại hiệu quả tích, cực, thấy rõ, ngay trong những năm giảm sức mua thì họ vẫn có được tăng trưởng về lợi nhuận.
Có những DN còn thấy công nghệ của câu chuyện từ Trí tuệ nhân tạo (AI), những câu chuyện của công nghệ liên quan tới chuỗi khối (Blockchain)…đang làm thay đổi rất nhiều trong ngành của họ và cũng là minh chứng cho sự đổi mới sáng tạo.
Từ đánh giá mới nhất của Viet Research về đổi mới sáng tạo ở ngành bán lẻ Việt cho đến việc các DN nội địa ở những ngành hàng khác đặt trải nghiệm của người dùng làm trọng tâm, lan tỏa những giá trị tích cực, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại và trực tuyến một cách hiệu quả, tối ưu hóa vận hành của hệ thống bán lẻ, phát triển các kênh kỹ thuật số (digital) để tiếp cận khách hàng…là rất hữu ích. Có như vậy sẽ tạo được “bước nhảy vọt” cho hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, sẽ giảm được mối lo về sức mua.