Tạo cảm hứng lịch sử bằng tái hiện đại chiến sông Như Nguyệt với sách đồ họa
Chọn đề tài lịch sử để làm đồ án môn học thiết kế đồ họa, nhóm bạn WDB đã khiến người xem thích thú khi tái hiện sinh động trận đánh sông Như Nguyệt huyền thoại qua tác phẩm 'Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt Giang'.
“Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt Giang” là đồ án thiết kế bản đồ cho môn học “Phương pháp thiết kế đồ họa”, được thực hiện bởi nhóm sinh viên WDB, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tác phẩm nhận được đánh giá cao từ cách chọn đề tài đến thực hiện, ý tưởng mỹ thuật.
Bìa tác phẩm Lý Thường Kiệt - đại chiến Như Nguyệt Giang.
WDB là một nhóm gồm các bạn sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng gồm Lâm Du Hoan, Lê Khánh Vỹ, Huỳnh Quang Huy, Cao Đức An, Trần Nguyễn Minh, Hoàng Khắc Nam. Sau khi chọn đề tài, nghiên cứu tư liệu, nhóm đã được sự hướng dẫn của các giảng viên Lê Triệu Hoàng Anh để thực hiện. Nhóm chọn sử dụng bộ chỗ House of Nguyen của Andree Nguyen.
Là những người yêu thích lịch sử và và mong muốn làm cho giới trẻ hiện nay hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói “dân ta phải biết sử ta”. Tác phẩm “Lý Thường Kiệt – đại chiến Như Nguyệt Giang” là sự kết hợp độc đáo giữa đồ họa, bản đồ và lịch sử, giúp người xem có cái nhìn khác về lịch sử, chân thật và sinh động hơn, dễ nhớ hơn. Với lối minh họa sống động và lời lẽ gần gũi, đây hẳn là cuốn sách bỏ túi hữu ích dành cho bất cứ ai có mong muốn bước đầu tìm hiểu về lịch sử nước nhà qua những hình ảnh trực quan sinh động.
Thay vì diễn giải chi tiết dài dòng, chỉ bằng cách trình bày giản lược, dễ nhớ với các thông tin ngắn gọn kèm hình ảnh minh họa, nhóm đã dựng lên chân dung Lý Thường Kiệt qua các dấu mốc chính: Năm 23 tuổi làm thị vệ hầu cận vua, chưa đến 12 năm đã lên chức Đô Trì trông coi mọi việc trong cung, cuộc đại phá Ung Châu năm 1075, bình Nghệ An –Thanh Hóa, dẹp loạn quân Mường, lập đại công trong cuộc bình Chiêm được vua nhận làm con nuôi...
Hình thức mô tả trận Như Nguyệt Giang.
Hay như, thay vì thuật tả trận Như Nguyệt Giang dài dòng như cách thường thấy trong sách giáo khoa, nhóm chọn hình thức bản đồ, đồ họa địa hình địa thế, vẽ và chú thích doanh trại của đạo quân Quách Quỳ ở phía Bắc sông, doanh trại và phòng tuyến phía Nam sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt. Miêu tả trận đánh, chiến thuật mai phục ở bến đò Như Nguyệt... cũng được vẽ bằng hình ảnh và chú thích ngắn gọn. Kết quả của trận đánh và thiệt hại của quân Tống cũng được thống kê và lối minh họa rõ ràng, dễ nhớ.
Cuốn sách cũng không thể thiếu bài thơ nổi tiếng “Nam quốc sơn hà” gắn liền với tên tuổi Lý Thường Kiệt.
Với đối tượng nhắm đến là học sinh THCS, bản đồ được thiết kế như một quyển sổ tay ghi chép, sử dụng phong cách minh họa chính là kiểu vẽ tay nhằm tạo nên sự gần gũi đối với lứa tuổi học sinh.
Theo các thành viên DWB: “Một thực tế đáng buồn ở nước ta hiện nay là lịch sử ngày càng bị xem nhẹ, trong đó có giáo dục. Đây là môn mang nặng lý thuyết, phương pháp giảng dạy chính ở các cấp trung học cơ sở, phổ thông là học thuộc và chép lại kiến thức nên không lạ gì khi các bạn học sinh tỏ ra chán nản và dẫn đến nạn học vẹt, học qua loa.
Qua quá trình phân tích và tìm hiểu, nhóm nhận ra vấn đề chính nằm ở yếu tố trình bày. Cuốn sách này ra đời với mong muốn tạo hứng thú và là bước đệm giúp các bạn học sinh chủ động tìm đến với lịch sử. Không đặt nặng mục tiêu kiến thức, sản phẩm này đóng vai trò như là quyển sổ tay tóm lược những điều thú vị và độc đáo của trận Như Nguyệt Giang, cũng như cuộc đời của vị chỉ huy tài tình được người đời ca tụng - Thái úy Lý Thường Kiệt”.