Tạo chuyển biến trong công tác phòng, chống khai thác IUU ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Thời gian qua, với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có BĐBP tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, cam kết không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
![Cán bộ BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Lê Khoa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_195_51458487/b29f38f20fbce6e2bfad.jpg)
Cán bộ BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Lê Khoa
Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp
Đại tá Đặng Cao Đạt, Chỉ huy trưởng BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về chống khai thác IUU, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều văn bản, điện chỉ đạo các đơn vị trong BĐBP tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện về phòng, chống khai thác IUU; cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 25 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
“Không chỉ phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh, chúng tôi còn tổ chức các đoàn công tác đến BĐBP các tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Bình Thuận... để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và ký kết quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống các hoạt động vi phạm pháp luật của ngư dân trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài” - Đại tá Đặng Cao Đạt nhấn mạnh.
Trong công tác xử lý vi phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên chỉ đạo các đơn vị rà soát, tiến hành điều tra cơ bản, lập danh sách cụ thể các chủ tàu, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thành lập Tổ công tác chuyên biệt để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các phòng chuyên môn, các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Trong năm 2024, đơn vị đã xử lý vi phạm hành chính 173 vụ/173 đối tượng với số tiền trên 3 tỷ đồng về các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Theo Đại tá Đặng Cao Đạt, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nắm và đánh giá sát đúng tình hình liên quan đến hoạt động tàu cá khai thác IUU; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển và địa phương thường xuyên cập nhật, thống kê nắm chắc tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn. Tập trung quản lý chặt chẽ hoạt động các tàu cá thuộc nhóm có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài như: Phương tiện đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển; phương tiện mất tín hiệu kết nối hành trình dài ngày (trên 10 ngày) trên biển... để phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương giám sát, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Để chủ động nắm, theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển, ngoài việc nhận, chia sẻ dữ liệu từ Trung tâm giám sát tàu cá của Chi cục Thủy sản tỉnh, BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách triển khai lắp đặt một trung tâm giám sát tàu cá đặt tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Duy trì hệ thống kết nối với 10/10 đơn vị trực thuộc để kiểm tra, theo dõi các tàu cá đang hoạt động trên biển, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nâng cao kiến thức pháp luật cho ngư dân
Đại tá Đào Xuân Ánh, Chính ủy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trọng tâm là Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU; thông tin về sự gia tăng hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm của lực lượng chức năng nước ngoài để chủ tàu, thuyền trưởng nhận thức rõ rủi ro, không đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Hiện nay, trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh có 174 tổ tàu thuyền an toàn với trên 3.000 thành viên tham gia; 100% các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá đều cam kết không vi phạm các quy định trong hoạt động đánh bắt hải sản, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đơn vị cũng có những sáng kiến như phối hợp với các lực lượng, địa phương tổ chức Chương trình “Ăn sáng cùng ngư dân”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Ngư dân giúp nhau thoát nghèo”... Từ đó, tạo sự liên kết, nghĩa tình, hỗ trợ nhau trong hoạt động trên biển và nhắc nhở nhau không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Tại các cửa biển và cảng cá thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Bình Châu và Phước Hải (BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu) đều có các bảng biển, pa nô, áp phích tuyên truyền kêu gọi ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác hải sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài... Ông Phạm Văn Hùng, ngụ tại khu phố Phước An, thị trấn Phước Hải, huyện Long Đất cho biết: Gia đình tôi có 2 tàu đánh cá hoạt động nghề lưới rê. Mặc dù những năm gần đây, sản lượng đánh bắt hiệu quả không cao, nhưng chúng tôi vẫn duy trì bám biển. Tất cả ngư dân tại địa phương đều được cán bộ đồn Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ bướm và nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm các quy định khi ra biển hoạt động. Không vì lợi ích cá nhân, trước mắt mà cố tình vi phạm pháp luật, vừa thiệt hại tài sản cá nhân, vừa thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích chung của ngư dân đang ngày đêm bám biển.
Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Châu cho biết: Đơn vị kết hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trong hoạt động đánh bắt hải sản, trong đó, tăng cường công tác nắm tình hình trên địa bàn, trên biển, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Đồng thời, duy trì thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến, đăng ký, kiểm chứng và quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra, vào cửa biển, kiên quyết không cho các phương tiện chưa đủ điều kiện theo quy định ra biển hoạt động.