Tạo chuyển biến về chất lượng đội ngũ nhà giáo

Cùng với cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò hết sức quan trọng và là khâu 'then chốt' trong sự nghiệp 'trồng người'. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa luôn quan tâm, chú trọng thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục nhằm tạo bước chuyển về chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Một giờ học của cô, trò Trường Mầm non Thúy Sơn (Ngọc Lặc).

Một giờ học của cô, trò Trường Mầm non Thúy Sơn (Ngọc Lặc).

Ở bất kỳ giai đoạn nào của sự nghiệp giáo dục, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ, giáo viên (CBGV) không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có năng lực sư phạm và có kỹ năng truyền động lực về việc học tập, rèn luyện tới mỗi học sinh và cộng đồng xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi CBGV muốn khẳng định năng lực để trở thành “mắt xích” quan trọng của khâu “then chốt” phải không ngừng vươn lên. Đó cũng là trách nhiệm của ngành đối với mỗi CBGV nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh, vững về chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm với nghề trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Theo đại diện Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhiều năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện, cùng với sự chủ động của mỗi CBGV, ngành giáo dục tỉnh nhà đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, như: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; rà soát, sắp xếp lại CBGV; triển khai đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBGV; tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp, đánh giá xếp loại CBQL... Trong đó nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên và tập trung vào chương trình dạy học, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá và sử dụng thiết bị dạy học.

Trong năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã cử 325 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo và bồi dưỡng theo kế hoạch của UBND tỉnh và các cơ sở đào tạo. Trong đó, đào tạo thạc sỹ 5 người; đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị 4 người; đào tạo nâng trình độ chuẩn 222 người; bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng viên chức 94 người. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã cử giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, tổ chức bồi dưỡng đại trà cho hàng nghìn CBQL, giáo viên về các nội dung, chương trình theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh. Qua thống kê, hiện tại toàn ngành đang có 825 người tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn; 374 người thuộc đối tượng tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định của Chính phủ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Từ việc tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn của đội ngũ nhà giáo ngày càng tăng. Hiện nay, trong tổng số 51.788 nhà giáo, gồm cả CBQL, giáo viên công lập và ngoài công lập của toàn ngành đã có 50.162 người có trình độ đạt chuẩn trở lên, chiếm 96,86%. Theo đánh giá của ngành, đội ngũ nhà giáo, CBQL có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, có tinh thần, trách nhiệm trong công việc. Mỗi CBGV luôn tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Đại diện Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cũng cho biết, bên cạnh việc tạo chuyển biến trong chất lượng đội ngũ hiện có, thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, ngành đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt khâu tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực cho mục tiêu đổi mới giáo dục. Minh chứng cho nhiệm vụ này đó là 6 tháng đầu năm 2024, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2024 của 11 huyện trên địa bàn tỉnh với tổng số 742 chỉ tiêu. Hiện nay các đơn vị đang thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định. Cùng với đó, ngành giáo dục đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh giao lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024 cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT với tổng số 3.840 chỉ tiêu. Tính đến hết tháng 5/2024 đã xét tuyển được 1.214 chỉ tiêu, đạt 31,6%. Ngoài ra, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục linh hoạt thực hiện điều động giáo viên từ trường thừa đến trường thiếu thuộc thẩm quyền quản lý; hợp đồng giáo viên đã về hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết tiếp tục tham gia giảng dạy; bố trí giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học dạy tăng buổi, tăng tiết nhằm đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục theo yêu cầu.

Có thể thấy, từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, toàn ngành đã tạo được bước chuyển quan trọng cả về chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn. 5 năm gần đây, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của giáo dục cả nước về kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa. Bên cạnh đó, toàn ngành duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS. Ngoài ra, chất lượng giáo dục khu vực miền núi cũng có bước chuyển rõ rệt, với nhiều học sinh đoạt giải Nhất cấp tỉnh các môn văn hóa...

Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện tại vẫn còn những hạn chế, khó khăn, bất cập đòi hỏi ngành giáo dục phải có “chiến lược dài hơi” để chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học. Đặc biệt, để thực hiện tốt hơn vai trò, vị trí của mình, ngoài giữ vững lập trường, tư tưởng, mỗi CBGV cần tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục và mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tao-chuyen-bien-ve-chat-luong-doi-ngu-nha-giao-31798.htm