Tạo cơ chế bảo vệ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ năng động, sáng tạo

Tại hội thảo khoa học 'Xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Kiên Giang năng động, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ hiện nay' được Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang tổ chức sáng 16-9, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên tham luận, thảo luận, đóng góp nhiều giải pháp thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

CẦN CƠ CHẾ BẢO VỆ CÁN BỘ

Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Công Hiệp - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo không chỉ là khẩu hiệu, tuyên truyền, kêu gọi, động viên mà còn phải tạo động lực cho đội ngũ này thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, chế độ đãi ngộ và tạo lập môi trường làm việc.

“Việc khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tháo gỡ giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách, không còn phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”, Thạc sĩ Phạm Công Hiệp cho biết.

Thạc sĩ Phạm Công Hiệp - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Thạc sĩ Phạm Thị Thơm - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang cho rằng qua thực tiễn điều hành công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, không ít cán bộ lãnh đạo gặp phải khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ do hệ thống các quy định của Đảng và Nhà nước còn chưa hoàn thiện. Thậm chí còn những điểm chồng chéo, thiếu thống nhất hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, dễ gây rủi ro về pháp lý cho cán bộ trong quá trình triển khai.

Điều này khiến cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, bởi nếu không thực hiện thì không thể hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó. Nhưng nếu quyết tâm thực hiện lại rất dễ bị quy chụp, gán cho là “làm sai” chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thậm chí còn bị xử lý kỷ luật. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu của tình hình thực tế.

Thạc sĩ Phạm Thị Thơm - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội thảo.

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG SỢ TRÁCH NHIỆM

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng cán bộ, đảng viên khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: Đảng không phải là tổ chức để thăng quan, phát tài; vào Đảng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc tự soi lại mình, biết sai, biết sửa triệt để. Cần khắc ghi và thực hiện lời thề khi được kết nạp vào Đảng, thực hiện đúng các nhiệm vụ của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức mà mình đã cam kết”, đồng chí Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Phong, từng cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình gắn với thực thi nghiêm túc, có hiệu quả, luôn đề cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dám xả thân vì đất nước, quê hương. Xây dựng động cơ làm việc trong sáng, luôn đặt lợi ích đất nước, tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý phải thật sự tiêu biểu, gương mẫu trong nói đi đôi với làm và dám chịu trách nhiệm.

Đồng chí Nguyễn Thanh Phong (đứng trên bục) - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu tại hội thảo.

“Việc gì thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân thì chủ động, quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Việc gì thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể phải thông qua tập thể quyết định thực hiện. Việc gì chưa có chủ trương, quy định thì báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự hỏi mình nếu ta sợ trách nhiệm, không dám làm thì ai làm cho ta, hay ta chờ các thế lực thù địch làm thay ta?”, đồng chí Nguyễn Thanh Phong nêu ý kiến.

“…Những cán bộ, đảng viên còn sợ trách nhiệm, không dám làm hãy chân thành học hỏi phần lớn những cán bộ, đảng viên còn lại xung quanh mình đã và đang không sợ gian khổ, hy sinh, không nghĩ cho riêng mình để hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho đất nước bình yên, phồn vinh, hạnh phúc…”, đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang nói.

“KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC NGỒI MỘT CHỖ”

Nói về cán bộ dân vận, Thạc sĩ Thái Châu Báu - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng phải đặt trong tổng thể chung về công tác cán bộ của Đảng. Cán bộ làm công tác dân vận nắm bắt kịp thời các thông tin, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải hiểu được nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phải biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thực.

“Cán bộ làm công tác dân vận không bao giờ được ngồi một chỗ mà phải đi sâu, đi sát, đi đến những nơi khó khăn, phức tạp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, đồng chí Thái Châu Báu nói. Ở những nơi đó, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đòi hỏi đôi chân của người làm công tác dân vận luôn phải trên đường để kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo sự đồng thuận xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàn Xuân (đứng trên bục) - Phó Bí thư Thành ủy Rạch Giá (Kiên Giang) phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàn Xuân - Phó Bí thư Thành ủy Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra một trong ba khâu đột phá là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã hội và nguồn nhân lực của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố và phường, xã”.

Đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ TP. Rạch Giá năng động, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ hiện nay, đồng chí Nguyễn Thị Hoàn Xuân nhấn mạnh khi tiến hành quy hoạch cán bộ phải xây dựng kế hoạch cụ thể. Quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là yêu cầu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và độ tuổi gắn với tiêu chuẩn các chức danh cán bộ.

Quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, mở rộng dân chủ, khách quan trong phát hiện, giới thiệu nguồn. Coi trọng khâu rà soát, đánh giá cán bộ trước khi lựa chọn danh sách giới thiệu quy hoạch. Quy hoạch phải đảm bảo phương châm “mở” và “động”, không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, chú ý phát hiện, xem xét đưa vào quy hoạch nhân tố mới, cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng…

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/tao-co-che-bao-ve-che-do-dai-ngo-cho-can-bo-nang-dong-sang-tao-16682.html