Tạo cơ sở vững chắc để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác giá trị di sản
Thảo luận tại hội trường chiều 23/10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc làm rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo tồn di sản, cũng như đảm bảo dữ liệu 'sạch', có tính kết nối trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác giá trị di sản.
Quy định rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ di sản
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh đánh giá Dự thảo Luật Di sản văn hóa (gọi tắt là Dự thảo Luật) là bước tiến quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của nước ta.
Góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật liên quan đến trách nhiệm trong bảo tồn di sản, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm chủ đạo của nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 7. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của nhà nước về quản lý nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ di sản. Theo đó, cần có quy định rõ ràng về việc phân bổ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội từ các tổ chức phi chính phủ, tư nhân và cộng đồng để tăng cường nguồn lực cho công tác này.
Liên quan đến cơ chế bảo vệ di sản văn hóa quốc tế, Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với cộng đồng, chủ thể để lập hồ sơ khoa học; ngoài ra cần có cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ và phát huy các di sản đã được ghi danh. Đồng thời, bổ sung các điều luật quy định về việc tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa...
Lưu ý nhiều di tích có những đặc thù khác nhau, đòi hỏi cần có cách thức tổ chức quản lý phù hợp, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) dẫn chứng, đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) có khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam. Đây là "bảo tàng sống", có hàng nghìn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc thành phố Hội An.
Việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
“Đây là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn và đa dạng về loại hình, do đó cần có cơ chế quản lý riêng” - đại biểu Phước đề nghị.
Chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Sau phiên thảo luận, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa và hoàn thiện Dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật theo chương trình của kỳ họp.
Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định), về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa đã được quy định rõ tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Luật: "cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm".
Tuy nhiên, vị đại biểu tỏ ra băn khoăn về các quy định liên quan đến trách nhiệm của cá nhân được nêu trong Dự thảo Luật. “Sẽ có những trường hợp cá nhân phát hiện ra các hành vi vi phạm cần can thiệp trực tiếp, kịp thời, vậy trong trường hợp này cá nhân đó cần làm gì, được phép làm gì và cơ chế nào để bảo vệ họ khi không may xảy ra các tình huống pháp lý” - đại biểu nêu.
Theo đại biểu, đây là một tình huống rất dễ xảy ra trong thực tế nên tôi kiến nghị cần có các quy định cụ thể hơn về nội dung này để đảm bảo phát huy được vai trò cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ di tích và di sản.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa là thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại. Tuy nhiên, Dự thảo Luật không có quy định cụ thể về việc xác định nguy cơ, biểu hiện bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất đối với di sản văn hóa hoặc giao cho cơ quan nào quy định nội dung này.
“Như vậy, trên thực tế rất khó để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân xác định và thực hiện tốt trách nhiệm này, đặc biệt đối với các di sản văn hóa phi vật thể. Do đó, đề nghị xem xét, bổ sung, quy định về nội dung này cho phù hợp, đảm bảo thuận lợi, khả thi khi thực hiện” - đại biểu nêu.
Số hóa dữ liệu về di sản để bớt “cồng kềnh” trong quản lý
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, cũng như phát huy giá trị di sản trong tình hình mới, một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra hiện nay, đó là cần thống kê, kiểm soát dữ liệu về di sản trên môi trường số, cũng như khai thác giá trị của di sản được số hóa.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc số hóa di sản văn hóa là một yêu cầu cấp thiết để bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu số, Dự thảo Luật đã đề cập đến việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản, tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quy định cụ thể về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa có tham khảo, đảm bảo đồng bộ với Luật Dữ liệu đang trình Quốc hội tại kỳ họp này. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ, quản lý và chia sẻ thông tin với các bên có liên quan.
Ghi nhận qua thực tiễn vừa qua, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể còn chưa phù hợp, có thể gây lãng phí về thời gian và nguồn lực, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng cần thiết phải cập nhật vào danh mục di sản và phải được số hóa để thuận tiện trong công tác kiểm kê, bảo tồn, cũng như khai thác giá trị di sản.
Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), tại Điều 86 Dự thảo Luật quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, một trong những yêu cầu về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia này là phải tuân thủ các quy định quản lý về cơ sở dữ liệu quốc gia theo Luật Giao dịch điện tử.
Do vậy, “cơ quan chủ trì soạn thảo luật này cần phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo của Luật Dữ liệu để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật” - đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị.
Việc số hóa còn giúp tăng cường công tác quảng bá, giáo dục về di sản văn hóa đến công chúng. Đồng thời góp phần giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng di tích thực tế trong khai thác du lịch, giảm nguy cơ xâm hại di sản
Đại biểu Thạch Phước Bình
Đối với quy định liên quan đến di sản dữ liệu, di sản tư liệu, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng Dự thảo Luật đã đề cập đến di sản tư liệu như một phần quan trọng của di sản văn hóa, nhưng chưa nhấn mạnh vai trò của di sản tư liệu trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đại biểu đề xuất cần có một điều khoản riêng quy định về lưu trữ và phát huy giá trị tư liệu, cần thiết có thêm các quy định cụ thể về bảo vệ bản quyền, quyền tiếp cận và khai thác di sản tư liệu, nhất là trong bối cảnh số hóa để đảm bảo sử dụng hợp pháp và tránh vi phạm bản quyền.