Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nguồn cung về tàu bay
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 89/2019).
Dự thảo bổ sung quy định về quản lý tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam.

Việc bổ sung quy định về quản lý tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung về tàu bay, chủ động hoạt động khai thác tàu bay (Ảnh minh họa).
Cụ thể, các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam là loại được Nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC), Nhà chức trách hàng không Brazil, Nhà chức trách hàng không Canada, Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại tàu bay.
Hiện nay, quy định pháp luật chưa cho phép các tàu bay của một số quốc gia được nhập khẩu vào Việt Nam, do quy định chỉ cho phép nhập khẩu các tàu bay được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng nhận loại tàu bay.
Theo Bộ Xây dựng, thủ tục cấp Giấy chứng nhận loại chỉ được thực hiện khi Việt Nam là quốc gia thiết kế, trên cơ sở Cục Hàng không Việt Nam xây dựng ban hành các tiêu chuẩn và có đầy đủ nguồn nhân lực, trình độ để đảm bảo thực hiện quá trình phê chuẩn Giấy chứng nhận loại.
Thời gian để xây dựng tiêu chuẩn, hoàn thiện quy trình và chuẩn bị đầy đủ nhân lực mất rất nhiều năm. Quá trình thực hiện Cấp giấy chứng nhận loại cũng cần nhiều thời gian. Đơn cử, EASA thực hiện trong vòng 8 năm đối với tàu bay A350, FAA thực hiện trong vòng 8 năm đối với tàu bay B787.
Kể từ năm 2006 đến hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đã và đang khai thác các loại tàu bay được 6 nhà chức trách hàng không cấp Giấy chứng nhận loại, bao gồm Cục Hàng không Liên Bang Mỹ (FAA) đối với các tàu bay Boeing 737, 767, 777, 787; Gulf stream G450, G650; Cesna C206.
Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) đối với tàu bay Airbus A319, 320, 321, 330, 350; ATR 72; Helicopter EC 155, EC 225, AS332L2, Capri G2; AW 189; Falcon 7x, Falcon 2000.
Cục Hàng không Brazil đối với tàu bay Embraer 145, 190; Bộ Giao thông Vận tải Canada đối với tàu bay Bell 505; Bombadier CRJ 900 và Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga đối với các trực thăng Mi 17/172.
Tuy nhiên thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình chiến sự xảy ra trên một số khu vực trên thế giới, cùng một số vấn đề kỹ thuật của các tàu bay trên thế giới đã ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp tàu bay, vật tư đầy đủ, kịp thời từ các nhà sản xuất tàu bay truyền thống như Airbus, Boeing.
Cùng đó, ảnh hưởng của nguồn cung các tàu bay phản lực vùng tầm ngắn cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khai thác tàu bay của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Trong tình hình đó, Bộ Xây dựng cho rằng, việc giới hạn cho phép các tàu bay khai thác tại Việt Nam chỉ có Giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp, hoặc FAA hay EASA cấp (mà không cho phép tàu bay được cấp Giấy chứng nhận loại từ các quốc gia khác cấp hoặc cho phép tàu bay do Cục Hàng không VN công nhận) sẽ làm hạn chế cơ hội của các hãng hàng không trong việc tiếp cận các loại tàu bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của hoạt động hàng không, công tác đảm bảo an toàn hàng không, Bộ Xây dựng cho rằng việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016 là cần thiết.
Điều này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung về tàu bay, chủ động hoạt động khai thác tàu bay. Qua đó, tăng cường nâng cao hợp tác hữu nghị quốc tế với các đối tác truyền thống.
.