Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Ngày 01/7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) hỗ trợ, ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm 'Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiếm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định 94).

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, có 3 giải pháp được xem xét tham gia cơ chế thử nghiệm. Ảnh: NHNN

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, có 3 giải pháp được xem xét tham gia cơ chế thử nghiệm. Ảnh: NHNN

Tọa đàm là dịp để cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan thông tin, chia sẻ các nội dung cơ bản và giải đáp các nội dung chính sách tại Nghị định 94. Qua đó, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty Fintech, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khách hàng, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan có thể nắm bắt đúng, đầy đủ các nội dung chính sách tại Nghị định 94 để tổ chức triển khai hiệu quả; đáp ứng yêu cầu thực hiện thống nhất các quy định mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình thử nghiệm.

Tọa đàm cũng sẽ góp phần quan trọng vào quá trình triển khai Cơ chế thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát không chỉ khuyến khích sự đổi mới từ các tổ chức cung ứng dịch vụ hiện này mà còn giảm rào cản gia nhập đối với các công ty khởi nghiệp và những tổ chức mới trên thị trường.

Ông Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam

Nghị định 94 là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực Fintech, là bước đi quan trọng, tạo hành lang pháp lý thử nghiệm trong phạm vi kiểm soát về các giải pháp Fintech trong môi trường thực tế, giúp các tổ chức có căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động kinh doanh mới; đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc theo dõi, giám sát và đánh giá rủi ro, từ đó giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý về Fintech, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết: “Ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện “Bộ tứ chiến lược”, gồm: Đột phá, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59-NQ/TW); xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW) để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới”.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Đây là Sandbox (Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đầu tiên của Việt Nam”; đồng thời cho biết: Theo Nghị định 94, có 3 giải pháp được xem xét tham gia Cơ chế thử nghiệm gồm: Chấm điểm tín dụng, Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), Cho vay ngang hàng (P2P Lending). Trong quá trình triển khai Nghị định, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Phó Thống đốc đề nghị: Các đơn vị chuyên môn của NHNN cần làm rõ tinh thần trong Nghị định, bao gồm: các dịch vụ cụ thể, bản chất, các điều kiện, thủ tục, thời gian…để các đơn vị, doanh nghiệp (DN) Fintech tham gia.

Các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp NHNN triển khai Nghị định, làm sao các DN tham gia được xem xét nhanh chóng hồ sơ, tạo điều kiện cho các DN tham gia, góp phần cung ứng các dịch vụ tài chính tiện ích cho khách hàng.

Phó Thống đốc cho hay, Fintech có vai trò rất lớn đối với hoạt động ngân hàng. Ông cũng hy vọng, với Sandbox này, các DN Fintech tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là giúp cho phát triển toàn diện, bao trùm, giúp những người yếu thế có thể sử dụng dịch vụ tài chính với giá hợp lý, chất lượng tốt.

Tọa đàm Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP cũng sẽ được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 02/7 và tại Đà Nẵng vào ngày 03/7 nhằm truyền tải các nội dung, chính sách tại Nghị định 94/2025/NĐ-CP đến rộng rãi các đối tượng áp dụng trên toàn quốc. Sự kiện sẽ góp phần quan trọng vào quá trình triển khai thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tao-dieu-kien-cho-doanh-nghiep-tham-gia-co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-41385.html