Tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát triển
Hệ thống giáo dục ngoài công lập đã chia sẻ với ngành giáo dục các địa phương nhiều bài toán khó như quá tải tuyển sinh đầu cấp, thiếu trường lớp ở những địa bàn đông dân cư, phát triển nóng… Ở khối đại học (ĐH), ngày càng có nhiều học sinh chọn học trường ngoài công lập.
Xã hội hóa giáo dục
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) năm học 2022 - 2023, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó, có 3.224 trường mầm non ngoài công lập (21,1%), giảm 29 trường so với năm học trước. Đối với giáo dục tiểu học, trong tổng số 12.381 trường có 145 trường ngoài công lập. Giáo dục THCS có 11.356 trường, có 323 trường ngoài công lập. Giáo dục THPT có 2.970 trường với 505 trường ngoài công lập.
Trước sức ép của việc quá tải trường lớp, đặc biệt ở các khu vực thành thị, khu công nghiệp, nhiều tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập như: hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tín dụng, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non. Bên cạnh đó, thực hiện miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non…
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của người dân; tỷ lệ huy động trẻ ở một số địa phương còn thấp. Còn có chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng.
Về giáo viên, tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021- 2022, trong đó ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (ngoài công lập chiếm 9,6%). Đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu tuy nhiên, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, nhất là những giáo viên dạy môn học mới.
Đối với khối giáo dục ĐH, năm học 2020-2021, cả nước có 60 trường ĐH ngoài công lập/dân lập và 6 trường ĐH 100% vốn nước ngoài. Các trường này có mặt ở 29/63 tỉnh/thành, trong đó TP Hà Nội có số lượng nhiều nhất là 13 trường, tiếp đến là TPHCM với 12.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhìn nhận hệ thống trường lớp ngoài công lập có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục, giúp chia sẻ áp lực đối với hệ thống giáo dục công lập. Bên cạnh đó, xã hội hóa giáo dục bước bước đầu đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, nổi bật nhất có thể kể đến là thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018.
“Cởi trói” để phát triển hiệu quả
Tại TPHCM, khoảng 170 doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 2.716 cơ sở giáo dục phổ thông có 1.249 đơn vị ngoài công lập. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP HCM nêu những khó khăn khi thực hiện xã hội hóa như đánh giá, nhận thức về xã hội hóa ở một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ, tốc độ xã hội hóa còn chậm…
Bên cạnh đó, chế độ chính sách chưa đồng bộ, thiếu và chậm hướng dẫn cụ thể và đặc biệt cơ chế hoạt động của các trường ngoài công lập cũng chưa cho phép phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở, của giáo viên. Cơ chế tự chủ nhà trường về tài chính, học phí, tuyển dụng... chưa tạo được động lực lớn để phát triển.
TP HCM kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa trong giáo dục đào tạo. Trong đó xem xét tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm các cơ sở giáo dục; những cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn nhận, một số nơi hiện nay vẫn nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa thực tiễn của chính sách xã hội hóa dẫn đến khó khăn khi triển khai. Vì vậy, bài toán đặt ra làm thế nào có sự thống nhất nhận thức trong hệ thống để xã hội hóa thực sự đem lại lợi ích to lớn.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng đồng tình để xã hội hóa giáo dục được thực sự hiệu quả cần quan tâm hơn nữa đến các chế độ chính sách ưu đãi cho việc xã hội hóa giáo dục, đặc biệt đối với các tổ chức cá nhân đầu tư vào hệ thống trường lớp phổ thông.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), việc xã hội hóa hiện nay nhằm huy động các nguồn lực khác đầu tư cho giáo dục, đặc biệt trông chờ ở những mạnh thường quân. Tuy nhiên, thời gian qua chưa có nhiều mạnh thường quân đầu tư cho giáo dục lâu dài.
Vì vậy, cần tăng cường các giải pháp cởi trói về cơ chế chính sách, các địa phương và chính các trường linh hoạt, chủ động trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa thúc đẩy phát triển các hoạt động sự nghiệp.