Tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp mở rộng đầu tư ở Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Sáng 28/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, đơn vị chức năng; các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế… về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam có quyết định quan trọng về việc triển khai xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế. Nếu không có gì thay đổi, tại Kỳ họp thứ 9 khai mạc vào đầu tháng Năm tới đây, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển Trung tâm này.

Để bảo đảm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được hoàn thiện với chất lượng tốt nhất, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam tiệm cận với trình độ, thông lệ chung của thế giới, Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiệm cận các thông lệ quốc tế

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, các định chế tài chính, quỹ đầu tư quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước… đã nêu những nhận định, đánh giá chính sách tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội so với chính sách về trung tâm tài chính quốc tế tại các quốc gia khác; góp ý về các cơ chế chính sách đặc thù; các sản phẩm tài chính được cung cấp trong trung tâm tài chính quốc tế; chính sách ngoại hối, chính sách đất đai, xử lý tranh chấp…

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã có những bước tiến vượt bậc, phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng, vận hành và phát triển của trung tâm tài chính quốc tế hiện đại như vấn đề về ngôn ngữ sử dụng, đối tượng áp dụng, chính sách ưu đãi thuế quan, quản lý ngoại hối, lao động, cơ chế giám sát, nguyên tắc tổ chức hoạt động…

Theo đại diện Quỹ đầu tư Temasek, dự thảo Nghị quyết đã tiệm cận được với các thông lệ quốc tế. Đây là khung pháp lý quan trọng cho quá trình hình thành, vận hành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế với những chính sách nổi trội, đột phá, có cơ chế trọng tài riêng, có những ưu đãi thuế quan hấp dẫn, quản lý tài sản hiện đại… Dự thảo cần tiếp tục bổ sung quy định chặt chẽ hơn về vấn đề bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân nhà đầu tư cũng như các quy định về giải quyết tranh chấp quốc tế tại trung tâm tài chính.

Đại diện các Ngân hàng: Standard Chartered, ADB, HSBC, Quỹ SSI, đại diện JICA… mong muốn dự thảo Nghị quyết làm rõ hơn các quy định về chống rửa tiền, việc áp dụng luật pháp tại trung tâm tài chính quốc tế trong sự tương quan giữa pháp luật Việt Nam và luật pháp nước ngoài theo thông lệ quốc tế; có sự linh hoạt hơn trong quy định về đăng ký, công nhận và chấm dứt tư cách thành viên; tổ chức hoạt động của các trọng tài quốc tế trong xử lý, giải quyết tranh chấp quốc tế; các cơ chế thúc đẩy và kêu gọi đầu tư, quản lý rủi ro, nhất là các rủi ro về: thị trường, bảo hiểm, phái sinh hàng hóa, thông tin…

Không chỉ có nghị quyết tốt mà còn phải có cả hệ thống nghị định tốt

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ghi nhận các ý kiến phát biểu thiết thực, bổ ích, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, các đại biểu đã có sự nghiên cứu rất kỹ về tài liệu. Nhiều đại biểu là đại diện các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế đã có quá trình hoạt động, làm việc, đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam nên rất am hiểu về pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có địa vị pháp lý như một đạo luật, nhưng việc sửa đổi, bổ sung đối với một nghị quyết của Quốc hội thì đơn giản hơn so với luật; những quy định tại Nghị quyết là những vấn đề khung, có tính nguyên tắc. Từ Nghị quyết, dự kiến có hơn hơn 20 nhóm vấn đề sẽ được cụ thể hóa, quy định cụ thể trong các nghị định của Chính phủ được ban hành sau khi nghị Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Phó Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, nhà đầu tư, chuyên gia uy tín trong và ngoài nước không chỉ đóng góp ý kiến đối với quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, mà còn tiếp tục tham gia góp ý đối với quá trình xây dựng hệ thống các nghị định của Chính phủ liên quan đến xây dựng và phát triển chính sách về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, "để Việt Nam không chỉ có Nghị quyết tốt mà còn phải có cả hệ thống nghị định về trung tâm tài chính quốc tế tốt".

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, ngành hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, khuyến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị để bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cũng như tiếp thu trong quá trình xây dựng hệ thống các nghị định của Chính phủ.

Mong muốn các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đã kinh doanh rất thành công ở Việt Nam tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng với sự ra đời của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, các nhà đầu tư này sẽ là những thành viên đầu tiên hiện diện, có chân ở thị trường này.

"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư ở các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng như đầu tư vào các hệ sinh thái khác mà các doanh nghiệp quan tâm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-doanh-nghiep-mo-rong-dau-tu-o-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-20250428142409256.htm